Tư duy mới của lãnh đạo công nghệ, khát vọng đưa Việt Nam vươn lên chuỗi giá trị toàn cầu

Hằng Thu 08:00 | 28/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Người Việt có thể làm chủ công nghệ?” Câu hỏi từng gây tranh cãi nay đang dần có lời đáp từ chính thế hệ lãnh đạo công nghệ mới, những người lớn lên trong kỷ nguyên hội nhập, mang tư duy toàn cầu và khát vọng tạo ra sản phẩm “Make in Vietnam”. Trong làn sóng ấy, Tuyến (Tyler) Lưu - đồng sáng lập của SotaTek, một người tin vào nội lực người Việt, đặt cược vào công nghệ tương lai, và đang cùng đội ngũ của mình mở rộng dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Trong cuộc trò chuyện dưới đây, anh chia sẻ hành trình phát triển của SotaTek, niềm tin vào năng lực người Việt, và cách một doanh nghiệp nội địa có thể góp phần định vị Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

PV: Việt Nam đang có nhiều cơ hội bứt phá về công nghệ. Theo anh, điều then chốt để người Việt thực sự làm chủ cuộc chơi này là gì?

CEO SotaTek - Tuyến (Tyler) Lưu:  “Cơ hội phát triển công nghệ đang mở ra rõ ràng. Nhà nước cũng nhấn mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột phát triển, đồng thời hướng đến xây dựng hệ sinh thái nuôi dưỡng nhân tài trong nước. Nhưng để người Việt thực sự làm chủ công nghệ, điều quan trọng là phải thay đổi cách chúng ta trao quyền cho người làm nghề. Kỹ sư Việt không thiếu năng lực, nhưng thường bị “đóng khung” trong vai trò thực thi: làm theo yêu cầu, đúng hạn mà ít có cơ hội tham gia vào tư duy hệ thống hay thiết kế giải pháp. Vấn đề không nằm ở con người, mà ở cách tổ chức và vận hành.”

 

SotaTek trước đây cũng đi theo mô hình outsourcing, nhưng chúng tôi sớm chuyển sang tư vấn công nghệ, đồng hành cùng khách hàng từ xác định bài toán đến thiết kế hệ thống và triển khai. Ở các thị trường như Nhật hay châu Âu, nơi đòi hỏi rất cao về chất lượng và trách nhiệm, cách tiếp cận “cùng nghĩ, cùng làm” đã giúp chúng tôi không chỉ giữ được khách hàng lâu dài mà còn tăng trưởng mạnh. Cũng nhờ tư duy đó, chúng tôi đầu tư sớm vào blockchain, AI và Web3 khi thị trường trong nước còn chưa hình thành rõ ràng. Thay vì chờ cơ hội đến, chúng tôi chọn chủ động xây năng lực từ trước.” CEO SotaTek chia sẻ thêm.

PV: Giữa làn sóng công nghệ mới, làm sao để phân biệt giữa việc chạy theo xu hướng và thực sự làm chủ công nghệ thưa ông?

CEO SotaTek - Tuyến (Tyler) Lưu: “Ranh giới nằm ở việc doanh nghiệp có đầu tư vào năng lực lõi hay không. Đón đầu không phải là “làm cho có”, mà là chuẩn bị để triển khai công nghệ một cách bài bản và có chiều sâu. Việc đầu tư vào blockchain từ năm 2017 hay AI từ giai đoạn 2020 không phải vì chúng tôi muốn gây ấn tượng, mà vì nhìn thấy nhu cầu thật từ các thị trường đi trước Việt Nam vài năm. Để đáp ứng được, đội ngũ phải nghiên cứu từ nền tảng, hiểu kiến trúc hệ thống, giải bài toán hiệu năng và bảo mật. Chúng tôi luôn đặt ra tiêu chí: công nghệ mới phải giải được bài toán thực, có thể triển khai ở quy mô lớn và nhân rộng.

PV: Theo ông, khi một công ty công nghệ phát triển nhanh về quy mô và nhân sự, đâu là yếu tố giữ cho tổ chức không "vỡ cấu trúc"?

CEO SotaTek - Tuyến (Tyler) Lưu:  Tốc độ tăng trưởng có thể đạt được bằng chiến lược, nhưng độ bền tổ chức thì phải dựa vào con người. Cụ thể là cách con người trong tổ chức hiểu và gắn bó với nhau.

Tại SotaTek, chúng tôi chọn "đồng cảm" làm nguyên tắc điều hành cốt lõi, nghĩa là hiểu rõ vai trò, áp lực, giới hạn của nhau để phối hợp hiệu quả. Khi các bộ phận hiểu được bức tranh tổng thể và chia sẻ được với nhau, việc ra quyết định sẽ nhanh hơn, ít xung đột hơn. Văn hóa này cũng là nền tảng giúp chúng tôi xây lớp lãnh đạo kế cận, những người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tinh thần đồng hành.

 

 

PV: Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực công nghệ chất lượng cao đang là bài toán lớn tại Việt Nam, ông nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp như thế nào?

CEO SotaTek - Tuyến (Tyler) Lưu: Doanh nghiệp không thể chỉ phát triển đội ngũ cho riêng mình, mà còn cần góp phần xây nền cho nguồn lực chung. Cạnh tranh thực sự sẽ diễn ra bằng năng lực nhân sự và tư duy đổi mới, chứ không chỉ bằng chi phí. Tại SotaTek, bên cạnh các dự án kinh doanh, chúng tôi chủ động đầu tư vào đào tạo nội bộ, chia sẻ kinh nghiệm thực chiến cho sinh viên, đồng thời phối hợp với các trường đại học để kết nối kỹ sư trẻ với bài toán thực tế.

Nếu muốn Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, chính doanh nghiệp trong nước phải đi đầu trong việc xây nền cho lớp kỹ sư tiếp theo.

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế như định hướng tại Nghị quyết 68 vừa ban hành, vai trò của những doanh nghiệp công nghệ bản địa có tầm nhìn dài hạn ngày càng trở nên thiết yếu. Không chỉ dừng ở tốc độ tăng trưởng, những công ty như SotaTek đang cho thấy khả năng góp phần hình thành hệ sinh thái công nghệ có chiều sâu, nơi người Việt có cơ hội làm chủ công nghệ ngay trên chính quê hương mình. Tôi muốn thế hệ sau không cần phải chứng minh rằng người Việt làm được công nghệ, mà có thể tự tin bước vào sân chơi đó như một điều hiển nhiên.

Cảm ơn ông về những thông tin đã chia sẻ.