Úc kêu gọi G7 hỗ trợ tái cấu trúc WTO để chống lại Trung Quốc

17:17 | 09/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Úc Scott Morrison muốn các nền kinh tế phát triển tái cấu trúc WTO, hợp tác nhiều hơn nữa để giảm bớt sự ép buộc về mặt kinh tế của Bắc Kinh.

Úc đã kêu gọi các quốc gia G7 hỗ trợ tái cấu trúc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, cho đây là cách tốt nhất để ngăn chặn chiến dịch áp bức về mặt kinh tế của Bắc Kinh đối với Canberra và chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Scott Morrison cũng ủng hộ việc Tổng thống Joe Biden đánh giá thông tin về nguồn gốc của COVID-19 và cảnh báo rằng các nền dân chủ phải hợp tác chặt chẽ hơn bất kỳ lúc nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh vì nguy cơ xung đột với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Úc đã phát biểu trước hội nghị G7 tại Anh quốc vào cuối tuần trước: “Các xu hướng chống lại chúng ta đang tăng tốc. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương — khu vực của Úc — là tâm điểm của cuộc cạnh tranh chiến lược mới. Những rủi ro về tính toán sai lầm và xung đột ngày càng lớn”.

Úc kêu gọi G7 hỗ trợ tái cấu trúc WTO để chống lại Trung Quốc - ảnh 1

Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu tại hội nghị G7. Ảnh: AFP.

Canberra muốn các quốc gia G7 đồng ý với việc tái cấu trúc WTO, một lần nữa cho phép cơ quan phúc thẩm (nằm ở trung tâm của tiến trình ra quyết định) tiếp tục hoạt động. Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, Washington đã ngăn chặn việc bổ nhiệm thành viên mới vào Cơ quan Phúc thẩm WTO.

Ông Trump lo ngại về phán quyết vượt xa thẩm quyền mà các nước thành viên đã đồng thuận. Động thái của ông đã cho phép các quốc gia tránh tuân thủ phán quyết của WTO.

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Úc. Canberra đã kiện Trung Quốc lên WTO về việc áp thuế trừng phạt đối với lúa mạch và đang làm điều tương tự đối với thuế áp vào rượu vang.

Ông Morrison nói: “Cách thiết thực nhất để giải quyết áp bức kinh tế là khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp của cơ quan thương mại toàn cầu. Khi không có hậu quả đối với hành vi áp bức, sẽ có rất ít động cơ để kẻ gây áp bức kiềm chế".

Ông nói rằng các quốc gia cùng chí hướng nên lấy cảm hứng từ những năm ngay sau Thế Chiến II và làm việc cùng nhau để duy trì một hệ thống mở, dựa trên nền tảng pháp luật cho phép các nền dân chủ tự do phát triển mạnh mẽ mà không bị áp bức.

Úc và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc tranh chấp ngoại giao gay gắt sau lời kêu gọi của Canberra về một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 vào năm ngoái. Điều đó đã thúc đẩy Bắc Kinh áp đặt thuế quan và các hạn chế khác đối với hàng tỷ USD hàng nhập khẩu của Úc. Các nhà phân tích gọi đây là một chiến dịch áp bức kinh tế.

Morrison đã được Thủ tướng Anh Boris Johnson mời tới tham dự hội nghị G7 cùng với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc, trong động thái mà theo các nhà phân tích là để thể hiện sự ủng hộ đối với Úc trong tranh chấp với Trung Quốc.

Michael Shoebridge, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết: “Các nhà lãnh đạo G7 biết rằng nếu họ không làm việc tập thể trước thách thức Trung Quốc, tất cả các nước sẽ lần lượt bị áp bức bởi Trung Quốc và họ sẽ không thể kiềm chế hành vi quốc tế ngày càng hung hăng của Bắc Kinh - về thương mại, lãnh thổ, an ninh, công nghệ và các giá trị quan trọng như quyền con người”.

Thông điệp cứng rắn của chính phủ bảo thủ đối với Trung Quốc sau những lời chỉ trích từ Công Đảng Úc. Đảng này vào tuần trước đã cáo buộc chính phủ sử dụng những lời lẽ “kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa” cho các mục đích chính trị trong nước. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Anthony Albanese, lãnh đạo Công Đảng cho biết: “Úc cần nhiều chiến lược hơn và ít chính trị hơn khi xử lý bất đồng của chúng ta với Trung Quốc... Chính sách đối ngoại không phải là một trò chơi. Đó không phải là một buổi chụp ảnh. Đó là một công việc nghiêm túc với những tác động kinh tế và an ninh sâu sắc”.

Tiệp Nguyễn