UNCTAD kêu gọi miễn giảm nợ toàn cầu cho các nước đang phát triển

15:47 | 24/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bên cạnh khối nợ 1.000 tỷ USD mà UNCTAD kêu gọi miễn giảm trước đó, tổ chức này cũng hối thúc cộng đồng quốc tế “hoãn trả nợ tạm thời tự động” cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
UNCTAD kêu gọi miễn giảm nợ toàn cầu cho các nước đang phát triển - ảnh 1
Các khoản thanh toán nợ nước ngoài của các nước đang phát triển dự kiến tăng 3.400 tỷ USD vào cuối năm 2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN). 
Liên hợp quốc ngày 23/4 kêu gọi một thỏa thuận nợ toàn cầu, trong đó có việc thành lập một tổ chức quốc tế để giám sát việc miễn giảm nợ nhằm ngăn chặn một thỏa họa kinh tế ở các nước nghèo hơn, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp.
Một báo cáo từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo dịch COVID-19 có nguy cơ khiến thảm họa kinh tế lan rộng khắp các nước đang phát triển.
Vì vậy, Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi kêu gọi cộng đồng quốc tế nên khẩn cấp thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để giảm áp lực tài chính đang gia tăng mà các nghĩa vụ thanh toán nợ đang gây ra cho các nước đang phát triển, trong bối cảnh các nước này đang chịu cú sốc sốc kinh tế từ dịch COVID-19.
UNCTAD nhấn mạnh lời kêu gọi từ tháng trước trong việc miễn giảm nợ 1.000 tỷ USD cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời hối thúc thành lập một cơ quan quốc tế quản lý nợ của các nước đang phát triển để giảm sát chương trình trên.
Ông Richard Kozul-Wright, phụ trách các chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD, cho rằng tổ chức này nên là một tổ chức độc lập.
Ông nhấn mạnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), với tư cách là các chủ nợ, không phù hợp để giảm sát chương trình nói trên.
Báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng kể cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, nhiều nước đang phát triển cũng đã phải chi phần lớn thu ngân sách của mình cho việc trả nợ.
Năm 2018, chính phủ các nước đang phát triển trung bình chi hơn 10% thu ngân sách để thanh toán nợ, và ở nhiều nước tỷ lệ này còn lên đến hơn 25%, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động chi tiêu cho các dịch vụ xã hội và y tế.
Tình hình này có thể xấu đi nhiều trong bối cảnh đại dịch, khi các khoản thanh toán nợ nước ngoài của các nước đang phát triển dự kiến tăng 3.400 tỷ USD vào cuối năm sau.
Trước đó, IMF trong tháng này đã hoãn trả nợ cho 25 quốc gia đang phát triển nghèo nhất trong sáu tháng tới, với giá trị ước tính khoảng 215 triệu USD, trong khi lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuyên bố hoãn thanh nợ cho 73 nước đang phát triển đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông Kozul-Wright cảnh báo các động thái trên về cơ bản chỉ là trì hoãn vấn đề, vì các nước này vẫn phải trả cả nợ và lãi.
Thay vào đó, UNCTAD kêu gọi “các biện pháp mang tính phối hợp, minh bạch và có hệ thống hơn hướng đến việc xóa nợ cho các nước đang phát triển.”
Bên cạnh khối nợ khoảng 1.000 tỷ USD mà UNCTAD kêu gọi miễn giảm trước đó, tổ chức này cũng hối thúc cộng đồng quốc tế ban hành chính sách “hoãn trả nợ tạm thời tự động” cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng cho đến khi các nước này phục hồi trở lại.
UNCTAD cho rằng điều này sẽ giúp giải phóng các nguồn lực đang cấp thiết trong thời gian khủng hoảng hiện nay./.