V.League hủy và vấn nạn chấn thương của tuyển Việt Nam

15:06 | 05/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc V.League dừng lại từ tháng 5 khiến tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng ở rất nhiều khía cạnh, trong đó có vấn đề chấn thương.

Trở về từ chuyến làm khách trên đất Saudi Arabia, tuyển Việt Nam tiếp tục đón nhận tin không vui khi Trần Đình Trọng rách cơ đùi và phải vắng mặt ở trận gặp tuyển Australia. Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Thành Chung hay Quế Ngọc Hải đều có dấu hiệu bị căng cơ sau 90 phút căng thẳng.

Bùi Tiến Dũng (trái) không đá trận gặp Saudi Arabia, bỏ ngỏ khả năng thi đấu với Australia tại lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: VFF.

Trước đó, Đoàn Văn Hậu cũng phải rời đội tuyển vì vết đau tái phát. Bùi Tiến Dũng và Trần Minh Vương không dự trận đầu tiên vì các chấn thương khác nhau. Cơn bão chấn thương thực sự đang tàn phá tuyển Việt Nam và khiến ông Park gặp nhiều khó khăn ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Bùi Tiến Dũng (trái) không đá trận gặp Saudi Arabia, bỏ ngỏ khả năng thi đấu với Australia tại lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: VFF.
Nói với Zing, bác sĩ Dương Tiến Cần, thành viên Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020, cho biết: “Dưới góc độ chuyên môn của những người làm y học thể thao chúng tôi, việc vận động viên thi đấu hay tập luyện ở cường độ cao cần phải được duy trì liên tục. Thế nhưng, V.League nghỉ từ tháng 5. Không phải cầu thủ nào cũng có chế độ tập luyện giống nhau, quá trình vận động thì thay đổi liên tục, dẫn đến cơ thể không thích ứng được. Đây là thiệt thòi rất lớn của tuyển Việt Nam”

"Tôi nghĩ ông Park Hang-seo và ban huấn luyện Hàn Quốc đã hiểu và biết giáo án nào cần thiết nhất cho cầu thủ. Tuy nhiên, những chấn thương của cầu thủ bóng đá hay vận động viên thể thao là nguy cơ rình rập thường trực, đặc biệt trong bối cảnh V.League nghỉ quá lâu, cường độ vận động của cầu thủ không được duy trì", bác sĩ Cần nó.

Thể trạng của nhiều tuyển thủ Việt Nam bị ảnh hưởng do số trận thi đấu đỉnh cao bị ngắt quãng. Trước tháng 5, hầu hết thi đấu từ 5 tới 7 trận mỗi tháng. Trong 3 tháng tiếp theo, họ không có trận chính thức nào trước khi lao vào 2 trận vòng loại World Cup rất căng thẳng.

Tường hợp của trung vệ Bùi Tiến Dũng là điển hình cho sự thay đổi đá. Sau khi đá xong 3 trận của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 đầu tháng 6, cầu thủ này sang Thái Lan và không thể tập luyện trong vài ngày vì cách ly y tế. Tiếp đó, anh đá liền 6 trận vòng bảng AFC Champions League với cường độ 3 ngày/trận.

Anh về nước cách ly một thời gian dài cùng đội bóng chủ quản Viettel, sau đó nghỉ ngơi và lên tập trung đội tuyển. Trước ngày sang Saudi Arabia, Tiến Dũng bất ngờ bị đau và không thể dự trận đấu.

Tương tự như vậy, Đình Trọng không thi đấu ở V.League suốt thời gian dài. Anh tập trung cùng tuyển Việt Nam từ tháng 5 nhưng không ra sân tại vòng loại thứ hai. Sau đó, Đình Trọng chỉ tập chay với cường độ vừa phải ở CLB Hà Nội. Vừa vào sân ở hiệp 2 trận đấu với Saudi Arabia, anh cũng gặp chấn thương.

Lý giải về hiện tượng này, bác sỹ Dương Tiến Cần cho biết: “Nếu thể trạng cứ bị thay đổi liên tục dù đây là yếu tố khách quan, cầu thủ sẽ dễ gặp chấn thương. Hệ cơ và dây chằng của cầu thủ chưa thích nghi việc trở lại thi đấu cường độ cao trước đối thủ mạnh như Saudi Arabia. Đó là rủi ro khi cường độ vận động bị thay đổi đột ngột”.

Ở trận đấu với tuyển Australia ngày 7/9 tới đây, HLV Park Hang-seo chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự. Những hệ quả từ việc V.League dừng thi đấu đã và đang tác động tiêu cực tới tuyển Việt Nam.

ĐỌC NHIỀU