Vắc-xin COVID-19 bắt đầu được vận chuyển về Mỹ để thực hiện chiến dịch tiêm chủng mở rộng
Ngày 27/11, hãng hàng không United Airlines (Mỹ) bắt đầu thực hiện các chuyến bay thuê chuyến để vận chuyển vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer trước chương trình tiêm chủng diện rộng dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 12
Hôm 27/11, United Airlines bắt đầu khai thác các chuyến bay vận chuyển lô hàng vắc-xin COVID-19 đầu tiên của Pfizer, trước chương trình tiêm chủng hàng loạt dự kiến vào cuối tháng 12. Các chuyến bay là bước đầu tiên trong mạng lưới cung cấp và phân phối toàn cầu, đang chuẩn bị để bắt đầu hoạt động hết công suất khi vắc-xin được các cơ quan quản lý phê duyệt.
Tờ Wall Street Journal không rõ các chuyến bay trên là nội địa hay quốc tế. Nhưng theo một bức thư gửi đến FAA ngày 24/11, United Airlines dự định thực hiện các chuyến bay chở hàng giữa thủ đô Brussels của Bỉ và sân bay O'Hare của Chicago để hỗ trợ phân phối vắc-xin.
Brussels và Chicago đều là những sân bay quốc tế thuận tiện cho các nhà máy của Pfizer ở Kalamazoo, bang Michigan và Puurs (Bỉ), nơi diễn ra quá trình hoàn thiện vắc-xin. Chicago cũng gần địa điểm phân phối của Pfizer ở Pleasant Prairie, bang Wisconsin - nơi đang được mở rộng để chuẩn bị cho việc phân phối vắc-xin. Công ty cũng có một địa điểm phân phối khác ở Karlsruhe, Đức.
Pfizer có kế hoạch thuê hàng chục chuyến bay chở hàng và hàng trăm chuyến xe tải mỗi ngày sau khi chính quyền cấp phép sử dụng.
Các liều vắc-xin cho châu Âu sẽ được sản xuất tại các cơ sở thuộc sở hữu của BioNTech - đối tác Đức của Pfizer - cũng như tại địa điểm sản xuất của Pfizer ở Bỉ. Ở Mỹ, chế phẩm sẽ được sản xuất ở Michigan, tại nhà máy Kalamazoo, phân xưởng sản xuất lớn nhất thế giới của Pfizer.
Các thành phần của vắc-xin sẽ được sản xuất trên khắp nước Mỹ, bắt đầu với việc sơ chế nguyên liệu thô ở St. Louis, bang Missouri. Hợp chất sau đó sẽ được tinh chế ở Andover, bang Maryland, trước khi được vận chuyển đến Portage, Michigan. Tại Portage, thuốc được kết hợp với các nguyên liệu thô khác.
Trong một tuyên bố hôm 27/11 FAA cho biết đang hỗ trợ “chuyến hàng vắc xin hàng loạt đầu tiên” và đang cùng các hãng hàng không tìm cách vận chuyển vắc xin COVID-19 an toàn.
Pfizer chế tạo ra những chiếc hộp cỡ va-li, đóng gói bằng đá khô để giữ lạnh các liều vắc-xin. Điều đó nghĩa là họ có thể vận chuyển vắc xin nhanh hơn, bằng cách loại bỏ nhu cầu về các thùng chứa lớn có thể kiểm soát nhiệt độ.
Theo thông tin trình bày tại Học viện Y khoa Quốc gia, khoảng 25 triệu liều vắc-xin Pfizer có thể hoàn thiện vào tháng 12/2020, 30 triệu vào tháng 1 và 35 triệu liều nữa vào tháng 2 và tháng 3 năm sau. Người tiêm sẽ cần hai liều, cách nhau ba tuần.
United Airlines được Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) cấp phép đặc biệt để bay với trữ lượng đá khô nhiều hơn nhằm giữ lạnh vắc-xin. Thuốc chủng ngừa của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70oC. Công ty cho biết tổng thời gian giao hàng từ trung tâm phân phối đến điểm sử dụng dự kiến trung bình là ba ngày.
Ngày 24/11 chính quyền Mỹ cho biết, họ đã lên kế hoạch cung cấp 6,4 triệu liều vaccine COVID-19 trên toàn quốc trong đợt phân phối ban đầu, sau khi loại vaccine đầu tiên được các cơ quan quản lý phê duyệt sử khẩn cấp. Các nhà quản lý chương trình vaccine Thần tốc (Warp Speed) của Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng các tiểu bang và khu vực pháp lý khác đã nhận được thông báo từ ngày 20/11 về số lượng vaccine COVID-19 ước tính sẽ phân bổ trong lô hàng đầu tiên để các địa phương này bắt đầu lập kế hoạch phân phối cho những người có nguy cơ cao.
Trước đó, các quan chức từng dự đoán khoảng 40 triệu liều vaccine COVID-19 sẽ được phân phối vào cuối năm 2020, con số này đã được nhắc lại một lần nữa hôm 24/11.
Dịch COVID-19 tại Mỹ ghi nhận thêm 146.893 ca nhiễm, 1.206 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca lên 13.433.102, trong đó 270.833 người đã chết.
Một ngày sau khi Mỹ đón Lễ Tạ ơn, các trung tâm mua sắm và nhà bán lẻ áp đặt các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt, khiến ít người Mỹ đến cửa hàng hơn trong ngày Black Friday. Khoảng 90.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện ngày 27/11 - tăng gấp đôi so với tháng trước trong bối cảnh ca nhiễm ở Mỹ trong những ngày gần đây gia tăng mạnh.
Một số bang và thành phố trên khắp nước Mỹ ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn virus lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác. Thống đốc California Gavin Newsom áp lệnh giới nghiêm với hầu hết các hạt từ 21/11, yêu cầu mọi người không được rời nhà từ 22h đến 5h sáng hôm sau ngoại trừ vì lý do thiết yếu. Các nhà hàng cũng phải đóng cửa theo khung giờ đó. Trước đó Ohio đã ban hành lệnh tương tự có hiệu lực từ ngày 19/11.
Xem thêm: Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu
Nguyễn Dung(t/h)