VEPR: Làm gì để gia tăng tính minh bạch và chống trốn, tránh thuế?
Hành vi trốn và tránh thuế có thể xảy ra ở mọi loại hình doanh nghiệp, từ các DNNN đến các công ty đa quốc gia hay công ty tư nhân, và có xu hướng ngày càng gia tăng. Có nhiều bằng chứng cho thấy hiện tượng trốn và tránh thuế ở các công ty đa quốc gia có thể diễn ra phổ phiến và với mức độ nghiêm trọng hơn các công ty trong nước.
Nhằm hướng tới một hệ thống thuế minh bạch, công bằng và hiệu quả, làm điểm tựa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong dài hạn, VEPR khuyến nghị 7 nhóm giải pháp:
Đó là, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống ngân sách minh bạch, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế trong vấn đề hạch toán, công bố và giám sát ngân sách. Các khoản thu – chi ngân sách cần được hợp nhất và tránh để ngoại bảng. Các khoản thu ngân sách bị hao hụt do miễn giảm thuế cũng nên được bổ sung trong công khai trong ngân sách nhà nước. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hạn chế vi phạm và đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý thuế và ngân sách.
Việt Nam cần tiến hành cải cách hệ thống thuế một cách toàn diện thay vì những thay đổi manh mún. Những cải cách này phải giải quyết được vấn đề bất bình đẳng, phức tạp và thiếu hiệu quả của toàn bộ hệ thống thuế. Các sắc thuế cần được rà soát, đánh giá tác động đối với đời sống kinh tế xã hội, và sửa đổi một cách đồng bộ để hướng tới một hệ thống thuế bền vững.
Cùng với đó, Việt Nam nên rà soát và tái cấu trúc hệ thống ưu đãi thuế. Các ưu đãi hào phóng và dư thừa cần phải được loại bỏ, hướng tới môi trường kinh doanh công bằng, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh tế, đóng góp vào quá trình đổi mới sáng tạo, tích lũy tri thức trong nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia trong khu vực để hình thành cơ chế chung trong khu vực về ưu đãi thuế, tránh trường hợp các quốc gia trong khu vực chạy đua ưu đãi thuế để thu hút đầu tư dẫn đến phá vỡ cấu trúc thuế tại mỗi quốc gia.
Trong những năm qua Việt Nam đã nỗ lực trong việc hình thành và củng cố hành lang pháp lý về quản lý thuế, tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và chống trốn và tránh thuế. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, và chưa theo kịp với thực tế diễn biến nhanh và phức tạp. Bởi vậy, Nghị định 20/2017/NĐ-CP nên được thay thế bằng một nghị định khác với những nội dung phù hợp hơn theo tinh thần của Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý thuế, và đặc biệt là phải làm cho pháp luật đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, Việt Nam nên triển khai nghiên cứu thực hiện các quy định nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng. Để đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng trong dài hạn, hành vi vay nợ của các doanh nghiệp, bất kể có giao dịch liên kết hay độc lập, cần được kiểm soát. Quy định giới hạn về vay nợ phải bao phủ được mọi loại hình doanh nghiệp, bất kể thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, các tập đoàn đa quốc gia hay tập đoàn trong nước, các công ty độc lập hay có giao dịch liên kết, v.v. nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Bên cạnh tăng cường trao đổi thông tin với các nước khác, Việt Nam cần cải thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích quản lý thuế thông qua việc yêu cầu tất cả các công ty đa quốc gia lớn hàng năm phải lập báo cáo theo từng quốc gia với dữ liệu tổng hợp về phân bổ thu nhập, lợi nhuận, thuế và các hoạt động kinh tế giữa các khu vực pháp lý thuế mà nó có hoạt động kinh doanh.
Triển khai thực hiện các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
“Cuối cùng, trong vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung các vấn đề về cạnh tranh thuế, ưu đãi thuế, và phòng chống trốn và tránh thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về các chủ đề này. OECD nhấn mạnh rằng, các hành động đơn phương của từng quốc gia là không đủ hiệu quả trong việc ngăn chặn và hạn chế trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp. Do đó, các biện pháp mang tính đồng bộ nhằm tăng cường quy định về thuế cho các quốc gia cần phải được thực hiện”, Báo cáo nhấn mạnh.