Việt Nam - câu chuyện kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á
Đây là nội dung trong bài báo về nền kinh tế Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Lowy của Australia đăng tải.
Bài báo nhận định: Việt Nam đã tích cực hội nhập hơn nữa vào hệ thống kinh tế quốc tế, bao gồm việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do như là biện pháp để củng cố sự thay đổi trong nước.
Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2017 cùng với những gặp gỡ bên lề quan trọng giữa các lãnh đạo thế giới.
“TPP-11” (11 trong số 12 nước ký kết TPP) đã họp để tìm kiếm một hướng đi cho thỏa thuận thương mại “chất lượng cao” này, mà tương lai của nó đã bị đảo lộn sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Là thành viên có thu nhập thấp nhất trong TPP nhưng Việt Nam đã trở thành nước điển hình cho việc tự do hóa thương mại đa phương trong tương lai.
Thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam là bằng chứng về lợi ích tiềm năng dành cho những nước đang phát triển lựa chọn mở cửa và thương mại. 16 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam càng gắn kết sâu sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự ổn định chính trị của Việt Nam, chi phí nhân công thấp, các điều kiện ưu đãi về thuế và đầu tư cùng với các FTA đã khiến nước này nổi lên như là một nước xuất khẩu hấp dẫn đối với các thị trường phát triển hơn.
Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016, tăng 9% so với năm 2015. Các công ty đa quốc gia về công nghệ như Intel và Samsung, lắp ráp gần 1/3 số điện thoại thông minh ở Việt Nam, là những nhà đầu tư lớn ở nước này.
Điện thoại di động và các phụ tùng có liên quan hiện chiếm tới 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nước này cũng là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 2 cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận thực tế để đưa vào các tính năng thị trường và nới lỏng sự kiểm soát của việc kế hoạch hóa tập trung. 3 đặc điểm nổi bật là: tạo điều kiện cho thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu; triển khai các cam kết bên ngoài để ổn định các cải cách đã được nhất trí trong nước; và tái cơ cấu nền kinh tế chính trị hiện thời trong khi không làm ảnh hưởng đến các cấu trúc quyền lực chi phối khác.
Tuy nhiên, bài báo cũng nhận định kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập liên quan đến vấn đề sở hữu nhà nước, tăng năng suất và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Minh Hoa