Việt Nam dự kiến có vắc xin phòng chống COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 9/2021

08:17 | 24/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin trên được nêu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Tại cuộc họp, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đã báo cáo  tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin trên thế giới và Việt Nam.

Việt Nam dự kiến có vắc xin phòng chống COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 9/2021 - ảnh 1

TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). Ảnh:Đình Nam/VGP

Trong đó, ông nhấn mạnh quá trình sản xuất vắc xin ở Việt Nam đang có những tiến triển tích cực. Vắc xin NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2; vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1; vắc xin của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021.
 
Đối với NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể ở nồng độ cao, có hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh. Dự kiến cuối tháng 4/2021, vắc xin NanoCovax sẽ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, tiếp đó là giai đoạn 3 vào đầu tháng 5/2021. Nếu thuận lợi, NanoCovax sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối quý 3/2021, rút ngắn 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó.
 
Rút kinh nghiệm từ vắc xin NanoCovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng của vắc xin COVIVAC sẽ nhanh hơn. Dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng vắc xin này được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng.
 
Dựa vào công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ, vắc xin của VABIOTECH có bước tiến chậm hơn nhưng các kết quả trong phòng thí nghiệm đến nay đều rất lạc quan, và dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4/2021. Ưu điểm của vắc xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
 
Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm, khi chúng ta bắt đầu tiêm vắc xin Astrazeneca thì một số nước trên thế giới đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vắc xin này vì nghi ngại phản ứng phụ, nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đồng thời là bước chuẩn bị cấp “giấy thông hành vắc xin”. Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh vắc xin của Việt Nam và vắc xin Astrazeneca càng thuận lợi hơn.

Việt Nam dự kiến có vắc xin phòng chống COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 9/2021 - ảnh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh:Đình Nam/VGP

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ  Khoa học - Công nghệ, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin thời gian qua đã rất nỗ lực, đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng cần tiếp tục khẩn trương hơn nữa để vừa phục vụ công tác phòng chống COVID-19, vừa ứng phó với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
                                                                                                                Đan Nghiên