VNG sắp thu cả chục nghìn tỉ đồng từ bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước?
CTCP VNG (VNG) đã duy trì một lượng lớn vốn cổ phần dưới dạng cổ phiếu quỹ, điều này giúp công ty xử lý được nhiều vấn đề, kể cả việc ‘lách room ngoại’.
Song, khi Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật chứng khoán 2019) và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (Nghị định số 155) quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, ‘lá bài’ cổ phiếu quỹ đặt VNG vào tình thế lưỡng nan.
VNG có thể đã tìm ra phương án để xử lý bài toán cổ phiếu quỹ, xa hơn là giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, và phương án này dự kiến sẽ được trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) tới đây.
Theo đó, ban lãnh đạo VNG dự trình cổ đông thông qua việc chào bán tối đa 7.108.262 cổ phiếu quỹ (được mua trước khi Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực). Số cổ phiếu này đúng bằng lượng cổ phiếu quỹ mà VNG ghi nhận trên báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến ngày 31/3/2021.
Đối tượng được chào bán là nhà đầu tư trong nước có uy tín và năng lực tài chính, có lợi ích gắn kết lâu dài với công ty. Thời gian phát hành dự kiến trong Quý 3/2021 hoặc Quý 4/2021 sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và UBCKNN phê duyệt. Giá bán không thấp hơn giá bình quân mua vào của toàn bộ cổ phiếu quỹ.
Với 16,9 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, theo tính toán của VietTimes, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của VNG lên tới 59,07%. Đồng nghĩa, tờ trình bán cổ phiếu quỹ nêu trên sẽ khó có thể được thông qua nếu không có sự chấp thuận từ phía cổ đông ngoại.
Tính đến cuối Quý 1/2021, hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ được VNG ghi nhận có giá trị 1.264,4 tỉ đồng, tương đương với mức giá bình quân là 177.880 đồng/cp. Song, lưu ý rằng, VNG từng bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông ngoại với mức giá cao hơn nhiều.
Vào tháng 3/2019, VNG đã bán 355.820 cổ phiếu quỹ cho Seletar Invesments (có nhiều mối liên hệ với Temasek Holdings). Giá bán là rất ấn tượng, lên tới 1.861.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, số cổ phiếu quỹ của VNG có giá trị lên tới 13.228,4 tỉ đồng.
Bên cạnh việc chào bán cổ phiếu quỹ, năm 2021, VNG cũng lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng âm 619 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông dự kiến sẽ vẫn ở mức dương, đạt khoảng 4 tỉ đồng.
Ngoài ra, HĐQT VNG cũng dự trình cổ đông thông qua việc không chia cổ tức cho năm 2020. Công ty muốn dành nguồn lực cho các lĩnh vực đầu tư chiến lược như: ví điện tử và cổng thanh toán; Phát triển dịch vụ đám mây (Cloud services); Sở hữu trí tuệ trò chơi; Phát triển dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI Services); Phát triển sảm phẩm di động
HĐQT VNG sẽ tiếp tục chỉ đạo ban tổng giám đốc tập trung triển khai các dự án đã đề ra. Thêm vào đó, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, Zalopay, Clound, AI và các sản phẩm đầu tư hiện hữu./.
Viettimes