Vụ 100 container hạt điều: thu hồi được 12 container, doanh nghiệp XNK rất cần thận trọng

Nguyễn Thị Thùy Dung 15:55 | 04/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh hàng loạt FTA quan trọng phát huy hiệu lực, xuất nhập khẩu trong nước ngày càng khả quan, hàng xuất khẩu Việt Nam đứng trước cánh cửa lớn vươn ra thế giới. Tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng.

Vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý: Đã thu hồi 12, bán lại 18 container

Theo VGP, thông tin từ Văn phòng Luật sư Davide Gallasso và Cộng sự cho biết các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã giành lại được quyền sở hữu 9 container điều bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng.

Cụ thể, nhờ nỗ lực làm việc với 1 công ty tại Italy và được công ty này xác nhận không liên quan đến 9 container hạt điều cũng như chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam, doanh nghiệp Việt hiện đã lấy lại được 9 container hàng nói trên. Những container này có thể đổi vận đơn để bán cho khách hàng mới trong thời gian rất ngắn, qua đó giảm được tổn thất lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển để đưa 3 container hàng khác về Việt Nam.

Cũng theo VGP, liên quan đến vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã bán lại được 18 container sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện phía luật sư và Thương vụ Việt Nam tại Italy đang kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều có uy tín tại nhiều quốc gia như Italy, Đức, Cộng hòa Czech, Áo, Bỉ, Hungary… để hỗ trợ tìm kiếm các nhà phân phối uy tín ở châu Âu, tìm kiếm khách hàng mới. Nỗ lực đã nhận được sự quan tâm của một số đối tác tiềm năng.

Luật sư Davide Gallasso khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá, cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu. Đồng thời, khuyến cáo doanh nghiệp nên xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF, tức chủ động thuê tàu vận chuyển để nắm quyền kiểm soát chứng từ gốc và hàng hoá tốt hơn.

Luật sư Davide Gallasso khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn (Ảnh: Hoàng Sơn 1)

Rút ra bài học lớn khi tiến vào sân chơi quốc tế

Trong vụ việc 100 container điều xuất khẩu sang Italy, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "Trả tiền nhận chứng từ D/P".

Theo phương thức này, sau khi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp Việt sẽ lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển. Chứng từ sau đó chuyển đến ngân hàng tại Việt Nam, từ đây ngân hàng Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu để nhận lại bộ chứng từ và nhận hàng tại cảng, trong khi ngân hàng nhập khẩu chuyển giao lại tiền cho ngân hàng phía Việt Nam.

Tuy nhiên, trong trường hợp 100 container hạt điều xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italy đã "không cánh mà bay". Đồng nghĩa với việc người bán Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng này vào tay kẻ gian, do tập quán vận tải hàng hải quốc tế buộc hãng tàu giao hàng cho người nhận hàng khi họ xuất trình được vận đơn gốc tới hãng tàu.

Theo ông Ngô Khắc Lễ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), phương thức thanh toán D/P là điều kiện thanh toán phổ biến với các doanh nghiệp thương mại quốc tế. Ngay cả nhiều doanh nghiệp châu u, Mỹ cũng thực hiện phương thức này khi kinh doanh mua bán, hàng hoá xuất nhập khẩu.

"Không thể nói vì phương thức D/P mà dẫn đến rủi ro. Nhiều người nói tại sao không dùng phương thức thanh toán L/C (tín dụng chứng từ)? Kinh doanh là hoạt động linh hoạt và nó phải phù hợp với thực tế. Nếu chỉ bán những container giá trị chỉ vài tỷ đồng mà yêu cầu mở L/C liệu có bao nhiêu khách hàng muốn làm việc. Phương thức D/P là phổ biến, cần tìm ra những điểm sai sót cần phải khắc phục", ông Lễ nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định đây là bài học lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về việc xác minh khách hàng trong khi thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế, kể cả trường hợp khách hàng đã vài lần ký và thực hiện hợp đồng.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao với tiềm năng hội nhập quốc tế và thương mại quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng phát huy tác động thúc đẩy xuất nhập khẩu trong nước, hàng xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước cánh cửa lớn vươn ra thế giới. Tuy nhiên, VLA cảnh báo khi sân chơi ngày một lớn cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng.