'Vua tôm' Minh Phú (MPC) đặt mục tiêu lãi kỷ lục hơn 1.100 tỷ trong 2023

Lạc Lạc 11:37 | 12/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (mã: MPC) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2022 với nhiều thông tin đáng chú ý. Bên cạnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, doanh nghiệp còn đặt chiến lược trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ bằng với giá của Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 bằng với Ecuador.

 

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc MPC cho biết, doanh nghiệp đã cán mốc doanh thu hợp nhất kỷ lục với hơn 16.000 tỷ đồng vào năm 2022. Đây cũng là năm đầu tiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt trên 800 tỷ đồng. “Thành quả trên sẽ càng là động lực vững chắc để Minh Phú tiếp tục phát triển và nâng cao vị thế của mình trên trường xuất khẩu tôm thế giới”, ông Quang nhận định.

Bước sang 2023, MPC đặt kế hoạch tiêu thụ khoảng 60.000 tấn thuỷ sản, doanh thu 17.985 tỷ đồng, tăng 9,5% so với doanh thu đạt được năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 1.146 tỷ đồng, tăng 37,7%. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của MPC. 

 
 

Không chỉ kỳ vọng lãi lớn, MPC còn đặt mục tiêu, chiến lược dài hạn đến 2030 - tầm nhìn đến 2035. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số.

Trong chiến lược phát triển dài hơi, MPC đặt chiến lược trọng tâm là đến 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador.

Để đạt được mục tiêu trên, MPC cho biết sẽ cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và bố mẹ thẻ, để tạo ra giống tôm có khả năng chống chịu tốt với môi trường, dịch bệnh. 

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao…, phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), riêng tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm 8 – 39%. Trong đó, tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết quý I, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8%, đạt 54 triệu USD. Riêng các loài cá biển vẫn tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.

Vasep đánh giá rằng, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và giá thành giảm theo. 

 Đơn vị này dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II, sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.