Xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”

16:47 | 13/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 10 năm, Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân và hành động này tiếp tục được coi trọng, cùng với đó cần giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”.

Mỗi năm, hơn 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng

 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số 61 Trung ương Thào Xuân Sùng cho biết: Trong 10 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội Nông dân phát động đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Hàng năm, trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 138,4% so với mục tiêu Đề án).
 
 
Xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá” - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
 
Đến nay, cả nước có trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; khoảng 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; đặc biệt là hơn 27.000 nông hộ đang có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 4.800 tỷ đồng.
 
Việc triển khai có hiệu quả Đề án số 61 đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có, góp phần tăng gần gấp 4 lần thu nhập cho cư dân ở nông thôn (đạt 156,8% so với mục tiêu Đề án). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm bình quân khoảng 1,5%/năm, đến năm 2020 ước còn dưới 3%.
 
Theo ông Thào Xuân Sùng, trong 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương; 63 tỉnh, TP đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ở địa phương gần 2.000 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 3.600 tỷ đồng.
 
Công tác quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai hiệu quả, tỷ lệ thu hồi vốn rất cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ khoảng 0,29%, trực tiếp hỗ trợ cho hơn 2,4 triệu lượt hộ hội viên nông dân tham gia vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập. Nhiều hộ thoát nghèo, trở thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu ở nông thôn ngày càng tăng.
 

Nông nghiệp, nông dân tiếp tục đóng vai trò quan trọng

 
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nông dân Việt Nam có vị thế rất lớn, là nền tảng quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Những năm qua, nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội. “Một nạn đói lớn xảy ra còn tai hại hơn dịch Covid-19” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp.
 
Thủ tướng đánh giá, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 61 và Quyết định số 673 trong thời gian qua đã giúp nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện.
 
 
Xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá” - ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.
 
“Thời gian qua, dù có những khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ vẫn hỗ trợ nguồn vốn rất lớn cho các Quỹ hỗ trợ nông dân phát triển. Điều nay thể hiện sự quan tâm, cũng là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của sự phát triển các cấp hội và người nông dân” - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, Đề án số 61 và Quyết định số 673 đã tạo luồng sinh khí mới cho các cấp hội nông dân. Trong nhiều năm, Hội nông dân các cấp đã liên tục có sự đổi mới, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền ổn định, vững mạnh.
 
Các cấp hội cũng đã làm tốt vai trò tập hợp và hỗ trợ nông dân. Nhờ đó, nền nông nghiệp đang chuyển dần sang hướng nâng cao giá trị và an toàn thực phẩm. Không còn tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”. Nhưng quan trọng hơn là trình độ nông dân đã có những tiến bộ lớn, nhất là tỏng hình thức sản xuất.
 
Thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án số 61 và Quyết định số 673 thời gian qua, vai trò, vị thế của người nông dân không ngừng được nâng lên. Các cấp hội và người nông dân đã và đang đóng góp ngày một lớn hơn vào những thành tựu của Việt Nam nói chung.
 
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
 
Qua theo dõi, Thủ tướng nhận thấy một số cấp, ban ngành chưa tạo điều kiện để cấp hội nông dân thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp hội nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong chỉ đạo còn bất cập, nhất là 1 số nơi chưa bổ sung quỹ hỗ trợ cho nông dân. Một số cấp Hội Nông dân cũng chưa chủ động tham mưu đề xuất cấp uỷ, chính quyền những nội dung thiết thực cần hỗ trợ. Đội ngũ cán bộ còn yếu, thiếu dẫn tới việc đề xuất, phản biện chính sách còn hạn chế.
 
Dù có nhiều mô hình hỗ trợ nông dân tốt được triển khai trong những năm qua, nhưng có một số mô hình trung tâm đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân chưa phát huy hết vai trò. Nghề đào tạo chưa thiết thực, nhiều bất cập. Hiệu quả đào tạo nghề chưa cao…
 
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có trên tinh thần thực chất, hiệu quả, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao mức sống cho nông dân, xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn, miền núi. “Điều gì có lợi cho nông dân thì làm, không thiết thực thì đừng tính đến” – Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc tiếp tục xây dựng lớp nông dân mới, nắm bắt được khoa học công nghệ, đổi mới tư duy, cách làm. Không để tình trạng “con trâu đi trước cái cày theo sau” mãi kéo dài. Phấn đấu để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế - xã hội có nhiều biến động hiện nay.
 
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, vấn đề tam nông đang tiếp tục đặt ra nhiệm vụ mới, yêu cầu mới với nhiều khó khăn hơn. “Nông thôn mới không chỉ là hạ tầng, mà cốt lõi là đời sống người dân. Do đó cơ cấu lại kinh tế nông thôn là quan trọng” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
 
Hội Nông dân các cấp cần có chương trình để tham mưu các cấp uỷ, chính quyền. Phát huy tốt hơn nữa vai trò trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, phát huy vai trò vị thế của người nông dân. Tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới…
 
 
Xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá” - ảnh 3
Đề án số 61 và Quyết định số 673 đã tạo chuyển biến tích cực cho phát triển tam nông
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn lực, nhất là các trung tâm đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân. Vận động các thành phần kinh tế tham gia đóng góp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có cơ chế, chính sách khuyến khích DN về nông thôn đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá, nông sản…

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo Đề án số 61, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành quan tâm, nghiên cứu đề xuất Chính phủ có giải pháp cụ thể, kịp thời hỗ trợ các cấp hội và người nông dân. Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ để người nông dân Việt Nam trong thời đại mới tiếp tục là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội.
 
Dẫn cảnh báo báo chí quốc tế rằng một nạn đói lớn có thể xảy ra trên toàn cầu, còn nặng nề hơn cả dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh nông dân, nông nghiệp Việt Nam là nền tảng, trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
 
Theo Thủ tướng, chúng ta đã triển khai quyết liệt, sát sao đề án 61, đạt nhiều kết quả đáng mừng. 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỉ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương; 63 tỉnh thành đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp địa phương gần 2.000 tỉ đồng.
 
Chính phủ đã quan tâm lo cả đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết tình trạng "được mùa rớt giá".
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn một số tồn tại lớn như một số ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện để hội nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn.
 
"Nhiều nơi còn bất cập, nhất là trong việc bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đội ngũ cán bộ ở một số cấp còn còn thiếu và yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham mưu các vấn đề liên quan đến nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế" - Thủ tướng nêu rõ.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau".
 
Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Thủ tướng đề nghị cùng với ngân sách trung ương, các địa phương xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
 
Minh Hoa