Xét xử vụ Đồng Tâm: Bác bỏ kiến nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung dự tòa
Tại phiên tòa xét xử vụ án chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), HĐXX đã bác yêu cầu của luật sư đề nghị triệu tập Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Sáng 7/9, TAND TP. Hà Nội đã tổ chức xét xử 29 bị cáo liên quan tới vụ chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ công an thương vong. Các bị cáo bị hầu tòa với tội danh Giết người và Chống người thi hành công vụ. Khung hình phạt của các bị cáo từ 2 năm tù cho tới chung thân.
Trong quá trình diễn ra phiên tòa, phía luật sư đã đưa ra rất nhiều yêu cầu, kiến nghị khác nhau. Trong đó, bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) đã được yêu cầu góp mặt tại phiên tòa. Thẩm phán Trương Việt Toàn ghi nhận yêu cầu này và sẽ cho triệu tập bà Thành nếu thấy cần thiết.
Luật sư đề nghị HĐXX và đại diện VKS dự khuyết không ngồi tại tòa. Với đề nghị này, HĐXX cho rằng không thực tế. Bởi những người thuộc HĐXX dự khuyết và kiểm sát viên dự khuyết cần dự tòa để nắm được diễn biến phiên tòa, phòng khi cần thay thế.
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án tại Đồng Tâm. Ảnh: Chụp màn hình
Đối với đề nghị cho người nhà bị cáo được dự tòa, HĐXX cho rằng, các bị cáo ở đây đều là những người đã trưởng thành, không bị cáo nào cần giám hộ. Để đảm bảo an ninh, trật tự, HĐXX thấy không cần thiết mời thân nhân các bị cáo dự tòa.
Đối với yêu cầu của luật sư về việc triệu tập một số người khác, HĐXX ghi nhận và cho biết trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết sẽ cho triệu tập.
Một luật sư yêu cầu trả hồ sơ vụ án. Thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, quá trình thẩm vấn, nếu thấy cần thiết sẽ trả hồ sơ.
Tuy nhiên, yêu cầu đáng chú ý nhất của các luật sư liên quan tới việc triệu tập ông Nguyễn Đức Chung (Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) để đối chứng. Tuy nhiên, HĐXX đã bác yêu cầu này vì cho rằng ông Chung không liên quan tới vụ án này. Hiện tại, ông Chung đang bị bắt tạm giam để điều tra 3 vụ án khác nhau.
Năm 2013, Lê Đình Kình cùng con trai Lê Đình Công và ông Bùi Viết Hiểu thành lập “tổ đồng thuận” nhằm lôi kéo, kích động người dân chiếm đoạt đất quốc phòng ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm.
Tháng 4/2017, sau nhiều năm xảy ra mâu thuẫn giữa “tổ đồng thuận” với chính quyền địa phương, một người của nhóm này đã bị bắt giữ. Phản ứng trước hành động này, nhóm đã bắt giữ 38 người gồm đa số là công an và cán bộ Ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Mỹ Đức.
Những người này sử dụng hung khí quyết định từ chối làm việc với chính quyền địa phương. Họ bày tỏ sự mất niềm tin với chính quyền cấp huyện và bày tỏ mong muốn được làm việc với cấp cao hơn của TP. Hà Nội mà đại diện là Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Chấp thuận lời đề nghị này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã về tận xã Đồng Tâm để đối thoại với nhân dân. Ông Chung khi đó hứa sẽ thả những người đã bị bắt trong vòng 1 tiếng đồng hồ và sẽ trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp đất đai tại đồng Sênh. Đi kèm với đó là một bản cam kết với nội dung “Không truy cứu trách nhiệm hình sự dân Đồng Tâm”. Ngược lại, dân Đồng Tâm sẽ phải thả những cán bộ chính quyền bị bắt giữ.
Ông Nguyễn Đức Chung trong một cuộc tiếp xúc với dân Đồng Tâm. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, sau đó hàng loạt các cá nhân liên quan tới các hoạt động gây rối và cán bộ vi phạm pháp luật đất đai tại xã Đồng Tâm đã bị đưa ra truy tố. Điều này khiến luật sư của bị cáo cho rằng ông Chung đã đi ngược lại với chính cam kết của bản thân mình trước đó.
Đáp trả lại những vấn đề này, ông Chung cho rằng “bản cam kết của mình chỉ có chữ ký chứ không có con dấu. Việc khởi tố thuộc thẩm quyền của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy”.
Ngoài ra, những hành động trên đã diễn ra trong năm 2017. Xét những yếu tố liên quan tới thời gian và không gian sự việc, HĐXX đánh giá ông Nguyễn Đức Chung không có liên quan trực tiếp tới vụ án chống người thi hành công vụ ngày 9/1/2020.
Anh Quân (t/h)