Xử lý nghiêm các đơn vị lợi dụng dịch Covid-19 tăng giá thuốc
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp tích cực, hỗ trợ cho cộng đồng, cung cấp kịp thời thuốc phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Xử nghiêm các đơn vị lợi dụng dịch Covid-19 tăng giá thuốc. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân đã kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19. Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm.
Khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các đơn vị phải kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo hệ thống cơ quan giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc;
Thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Tích cực phối hợp các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu.
Có thể xử lý hình sự Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, tại Điều 13 Luật Dược số 105/2016/QH13, ngày 6/4/2016, người bán thuốc phải đáp ứng các điều kiện như: Có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn theo quy định phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược. Ngoài ra, họ cần là nhân viên cơ sở tổ chức bán lẻ thuốc lưu động còn giá thuốc phải được niêm yết cụ thể tại cơ sở, tổ chức đó. Do đó, những hành vi chào mời, bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo công dụng, giá cả không rõ ràng hoặc có thể là thuốc đủ điều kiện bán nhưng được cung cấp bởi người không đủ điều kiện bán lẻ thuốc đều là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điểm 1.6, Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đối chiếu với trường hợp này, nếu cơ quan chức năng vào cuộc, đủ căn cứ chứng minh thuốc được bán ra hoặc người bán thuốc không đáp ứng điều kiện cho phép và hoạt động này thu lợi từ 2 triệu đồng trở lên, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc tình tiết định khung, người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm hoặc đối diện mức án tối đa là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Cũng theo luật sư Thắng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp như hiện nay, họ còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội theo Điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”. |
P. Giang (T/h)