Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi
(DNVN) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Theo Phó Thủ tướng, xét trên giác độ văn hoá, khi một tôn giáo du nhập vào Việt Nam có sự ảnh hưởng qua lại với văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng dân cư, của dân tộc.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ khi Phật giáo vào Việt Nam đã dần dần dung hoà với nhiều tín ngưỡng truyền thống như: Thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu. Vì vậy, khi nói về giáo pháp, thực hành tín ngưỡng thì cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Đây là niềm tin, sự thực hành thường nhật của bộ phận lớn người dân, cần phải tôn trọng.
Trong quá trình đó, những gì không phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng cần được chỉ ra, vận động để loại bỏ dần, trong đó rất cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hoá, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hoá.
Bộ VHTT&DL, các địa phương, tổ chức cần tăng cường công tác nêu gương, phân tích cặn kẽ trên giác độ văn hoá về những việc tốt, những việc chưa tốt, chưa đúng mọi người cùng nhân cái tốt lên và giảm cái xấu.
“Chúng ta hãy cùng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới”, Phó Thủ tướng nói.
Có giải pháp đồng bộ phòng, chống mê tín dị đoan
Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu đã chất vấn, tranh luận để làm rõ các vấn đề với mong muốn Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các bộ, ngành liên quan có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể như:
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó lưu ý đến việc ban hành các văn bản phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết những nội dung có tính chất liên bộ, liên ngành;
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động biểu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, sáng tạo; đầu tư cho hoạt động sáng tác, sưu tầm, gìn giữ, quảng bá những tác phẩm nghệ thuật có giá trị; chú trọng bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, sản xuất các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật có giá trị; làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu trái quy định và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung quy định về các cuộc thi sắc đẹp, quy định về các hoạt động biểu diễn. Có các biện pháp tuyên truyền, lên án, chấn chỉnh các biểu hiện của lối sống “lệch chuẩn”, ứng xử thiếu văn hóa, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh;
Tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật; tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân nhận diện được sự khác nhau giữa các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh với các hành vi mê tín dị đoan núp bóng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh; tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong nhân dân, đồng thời với việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.