5 lĩnh vực kinh tế người Thái đang nắm thị phần chi phối tại Việt Nam
Thái Lan không phải nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, nhưng trong một số lĩnh vực, họ lại có cách để nắm thị phần chi phối.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992, các doanh nghiệp lớn của Thái Lan liên tục rót vốn vào thị trường Việt Nam. Trong thập kỷ gần nhất, dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Năm tăng bình quân 13% mỗi năm.
Nếu xét về quy mô đầu tư, với lũy kế chưa tới 13 tỷ USD, Thái Lan chưa năm nào đứng trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất. Con số có phần khiêm tốn nếu so với số vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD từ các nhà đầu tư Hàn Quốc hay 60 tỷ USD của Nhật Bản. Nhưng do đầu tư tập trung vào từng lĩnh vực, người Thái luôn biết cách để lại dấu ấn, chiếm thị phần chi phối.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Central Group và TCC Group là hai cái tên nổi bật nhất, đang nắm giữ những chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất thị trường.
Central Group, tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat, gia tộc giàu thứ tư tại Thái Lan với khối tài sản 9,5 tỷ USD, theo Forbes. Họ khởi đầu tại Việt Nam thông qua việc phân phối các thương hiệu SuperSports, Crocs, New Balance và mở chuỗi Robins năm 2014. Tuy nhiên, tập đoàn này chỉ thực sự tạo ra tầm ảnh hưởng trong ngành bán lẻ khi thực hiện loạt thương vụ thâu tóm giai đoạn 2015-2016.
Năm 2015, thông qua Power Buy, Central Group sở hữu 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Cũng trong năm này, tập đoàn Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi, đơn vị bán lẻ tập trung vào thị trường chưa được khai thác là khu vực nông thôn miền Bắc Việt Nam.
Năm 2016, vượt qua nhiều đối thủ lớn như Saigon Co.op, TCC Group, Central Group thành công mua lại chuỗi BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) với giá trị thương vụ hơn 1 tỷ USD.
BigC là một trong những thương vụ M&A có giá trị cao nhất mà các tập đoàn Thái Lan thực hiện
TCC Group của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cũng không kém cạnh khi thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market) đầu năm 2016 với giá 655 triệu USD.
Trước thương vụ này, năm 2012, TCC đã mua lại 65% cổ phần để nắm chi phối tại Thái An - công ty mẹ của Phú Thái Group, đổ tiền thực hiện thương vụ mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'mart.
Trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dấu ấn của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan thể hiện qua thương vụ đổ nhiều tỷ USD để chi phối doanh nghiệp bia giữ thị phần đứng đầu thị trường.
Cuối năm 2017, ThaiBev, doanh nghiệp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - người đứng đầu TCC Group, đã chi 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Qua đó, người Thái gián tiếp chi phối hơn 1/3 thị trường bia Việt Nam.
Năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, lợi nhuận sau thuế của Sabeco chỉ giảm hơn 8%, đạt 4.937 tỷ đồng.
Fraser & Neave (F&N), doanh nghiệp cũng thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đang là cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinamilk, với tỷ lệ chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước.
Trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, SCG Group là cái tên đình đàm nhất. Khởi đầu, tập đoàn này tập trung vào mảng phân phối và thương mại, nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành.
Gần đây nhất, SCG Packaging (SCGP), đơn vị thành viên của SCG Group, thông báo mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng. Có thêm Nhựa Duy Tân, danh sách các công ty trong mảng bao bì của SCG tăng lên 8, với tổng doanh thu của riêng mảng này đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Chỉ trong 5 năm gần đây, nhiều đơn vị đầu ngành khác của Việt Nam cũng về tay doanh nghiệp Thái Lan này thông qua loạt kịch bản tương tự.
Tập đoàn này hiện quản lý hơn 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, C.P Group đã khẳng định vị thế đứng đầu ở Việt Nam nhiều năm gần đây.
Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand Group) được thành lập năm 1921 tại Bangkok, hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P Việt Nam được thành lập từ năm 1993 và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2009, C.P Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P Vietnam Livestock Corporation và đến năm 2011 đổi tên thành Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Vietnam. Doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn trong cả ba lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (Feed), trang trại (Farm) và chế biến thực phẩm (Food).
Năm 2019, tổng doanh thu của tập đoàn này gần 65.500 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD), tăng gần 5% so với năm 2018. Con số này gấp gần 10 lần so với doanh thu của những doanh nghiệp nội địa đứng đầu.
Lãnh đạo một doanh nghiệp cùng lĩnh vực chăn nuôi từng thừa nhận với VnExpress, hiện nay không có doanh nghiệp nội địa nào, thậm chí cả FDI có thể cạnh tranh "sòng phằng" với C.P.
Một lĩnh vực đang nổi lên gần đây là năng lượng, đặc biệt là điện mặt trời, cũng thu hút sự tham gia của những doanh nghiệp Thái Lan. Và cách chiếm thị phần cũng không khác các lĩnh vực trên, chủ yếu thông qua M&A.
Một dự án điện mặt trời ở Tây Ninh đã về tay người Thái sau một thời gian vận hành
Super Energy Corporation, một doanh nghiệp từ Thái Lan, từ cách đây ba năm đã đầu tư thông qua hình thức mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang... Cuối tháng 3/2020, doanh nghiệp này công bố thông tin trên Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SET) thông báo chi hơn 456 triệu USD để đầu tư mua cổ phần 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước.
Hai nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng trong lần thay đổi gần nhất, Gulf đã tăng mức nắm giữ lên 90%.
Theo các chuyên gia, so với các doanh nghiệp từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, các tập đoàn Thái Lan được đánh giá có một số ưu thế hơn do vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa. Các doanh nghiệp này khi đã đầu tư thường nắm quyền chi phối nhằm định hướng lại hoạt động kinh doanh và tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, hoặc những doanh nghiệp có lợi thế.
Theo VnExpress