5 thách thức lớn Facebook và CEO Mark Zuckerberg phải đối mặt
1. Làn sóng kêu gọi tái cấu trúc Facebook để bắt đầu ''một chương mới”
Chưa khi nào, sự thất vọng, mất niềm tin của nhân viên Facebook lại cao như thời điểm hiện nay. Nhiều người bỏ việc vì mất niềm tin, thậm chí coi môi trường làm việc của Facebook như “gông cùm”. Họ đã thành lập một tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dùng về tác động tiêu cực của mạng này đối với xã hội.
The New York Times đưa tin một số kỹ sư máy tính đã yêu cầu được chuyển sang bộ phận phát triển WhatsApp hoặc Instagram. Trong khi một số nhân viên khác, như nhà thiết kế sản phẩm Westin Lohne đã nghỉ việc.
Ông Lohne đã thông báo trên trang Twitter cá nhân về quyết định của mình, với nguyên nhân: "Về mặt đạo đức mà nói, rất khó để tôi có thể tiếp tục làm việc tại đây trong vai trò của một nhà thiết kế sản phẩm". Trước đó, ông cũng đăng trạng thái: "Giờ thì tôi đã thất nghiệp, nhưng cũng không còn bị ràng buộc bởi gông cùm nào nữa".
Cùng với sự công khai chỉ trích của nhân viên, các nhà đầu tư Facebook cũng đang tạo làn sóng kêu gọi phế truất vị trí Chủ tịch Mark Zuckerberg, tái cấu trúc để giúp Facebook bắt đầu ''một chương mới với nhiều uy tín hơn''.
Scott Stringer, người quản lý tài chính của New York City, đồng thời điều hành quỹ hưu trí có một tỷ USD cổ phần trong Facebook đã kêu gọi mạng xã hội này bổ nhiệm một chủ tịch độc lập và 3 thành viên hội đồng quản trị khác “có chuyên môn về dữ liệu và đạo đức”.
Ông Stringer nói với BBC: Facebook có khoảng 2 tỷ người dùng và mạng xã hội này đang chìm sâu trong khủng hoảng, không mang đến cho người dùng sự thoải mái. Zuckerberg nên từ chức để Facebook có thể bắt đầu ''một chương mới với nhiều uy tín hơn.
Michael Frerichs, một kế toán trưởng tại Illinois, đồng thời là nhà đầu tư mới nhất của Facebook cũng tìm cách kêu gọi Zuckerberg rời khỏi vị trí Chủ tịch: “Trên thực tế, anh Zuckerberg không còn khả năng chịu trách nhiệm nữa. Không phải ban quản trị, cũng không phải các cổ đông. Ngay lúc này, anh Zuckerberg là ông chủ của riêng mình và rõ ràng chẳng làm được gì”.
Michael Frerichs nhấn mạnh vụ việc Cambridge Analytica - vốn thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook - đã thổi bay 60 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của công ty. Sự kiểm soát của Zuckerberg đối với Facebook khiến cổ phiếu của công ty rất dễ bị ảnh hưởng xấu mỗi khi anh này "lỡ" đi sai một bước lớn. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các cổ đông đang lo "sốt vó", những người dường như chẳng có quyền lực để làm bất kỳ điều gì đối với công ty.
2. Facebook có nhiều lỗ hổng không dễ tự động hóa để sửa
Dù cho tỷ phú 33 tuổi Zuckerberg đã xin lỗi người dùng toàn cầu về việc đánh mất niềm tin và cam kết thực hiện những thay đổi trong chính sách của Facebook để ngăn ngừa những sai sót trong quản lý dữ liệu, cụ thể hơn là hứa hẹn sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để điều chỉnh các nội dung trên Facebook, nhưng sự thực nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới cần nhiều hơn vậy.
Công cụ AI mà ông chủ Facebook đưa ra nhằm ngăn ngừa những sai sót trong quản lý dữ liệu chỉ đơn thuần mang tính “máy móc”, chưa đủ khả năng phán đoán, phân tích và ngăn chặn những thông tin có nội dung phức tạp. Những lỗ hổng của Facebook không dễ dàng dùng tự động hóa để sửa chữa.
Người đứng đầu bộ phận kiểm tra sự thực tự động tại tổ chức phi lợi nhuận Full Fact, ông Mevan Babakar xác nhận: Mark Zuckerberg có cơ sở khi nói rằng Facebook sẽ có những công cụ AI có thể phát hiện các sắc thái trong 5-10 năm tới, nhưng có rất nhiều sắc thái và không phải tất cả chúng đều có thể tự động hóa.
Giới nghiên cứu hiện không đồng tình với giải pháp khắc phục của Zuckerberg. Họ cho rằng những dự đoán về công nghệ luôn "nói dễ hơn làm".
3. Các cuộc điều tra sâu rộng hơn từ giới chức Mỹ
Dư luận vừa qua nghiêng nhiều về chiến thắng của Mark Zuckerberg trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ. Nhưng sự thực là, ông chủ Facebook đã không ít lần phải "cứng họng" trước Hạ viện Mỹ khi được hỏi về "hồ sơ bóng tối". Mark Zuckerberg buộc phải trả lời không biết trước khi đề xuất "đội ngũ của chúng tôi sẽ trả lời sau".
Chia sẻ trên Guardian, nhà hoạt động chính trị Zephyr Teachout cho rằng: “Đáng ra chúng ta phải đối xử với anh ta (Zuckerberg) như một mối nguy đối với dân chủ và yêu cầu các thượng nghị sĩ tiến hành một cuộc điều trần thật sự".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lẽ ra, các nghị sĩ Mỹ phải thắng dễ dàng trước Mark Zuckerberg. Nếu ở nước Anh, Mark Zuckerberg sẽ không thể có một “hành trình dễ chịu” trước Thượng viện Mỹ như vậy.
Hiện Facebook đang ở trong tầm ngắm của giới chức Mỹ với cáo buộc mở cửa cho các hoạt động phi pháp như buôn bán hàng giả, thuốc gây nghiện. Zuckerberg cũng sẽ phải chịu sức ép không nhỏ từ Ủy ban thương mại liên bang (FTC) - bắt đầu điều tra sâu hơn về cách Facebook xử lý dữ liệu của người dung trong những tháng tới. Nếu Facebook bị coi là thiếu trách nhiệm và bị phạt tiền nặng, nó có thể làm tăng thêm áp lực cho sự thay đổi nhân sự trong mạng xã hội này.
4. Sự im lặng của Thung lũng Silicon và quá trình hình thành mạng xã hội phi tập trung.
Đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton đã tham gia vào chiến dịch #deleteFacebook. Các mạng xã hội khác như Twitter và LinkedIn lại cực kỳ kiệm lời khi cơn bão đổ lên đầu đối thủ Facebook của họ.
CEO Salesforce Marc BenioffCEO Salesforce Benioff thì ngược lại, đã lên tiếng hàng tháng trời về sự cần thiết phải kiểm soát Facebook như kiểm soát thuốc lá, và nhắc lại quan điểm này tại một hội thảo của công ty.
CEO Elon Musk đã xóa bỏ hai trang Facebook của Tesla và SpaceX, sau khi một người dùng Twitter yêu cầu ông làm điều đó. Sau đó, Elon Musk tuyên bố:"Tôi đơn giản là không thích Facebook. Nó khiến tôi lo lắng".
Giới thạo công nghệ đang dự báo về sự tan biến bất cứ lúc nào của Facebook, giống như sự sự bùng nổ và suy tàn của Yahoo. Một mạng xã hội phi tập trung sẽ dần hình thành và thay thế Facebook. Họ cho rằng các ý tưởng thay thế Facebook đã xuất hiện, mặc dù chưa có nhiều dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào những dự án này. Làn sóng mới về sự phi tập trung, những mạng lưới ngang hàng và không có cơ quan trung ương đã được khởi đầu. Đó là nơi mà mọi người cùng kết nối nhưng không có ai sở hữu các kết nối. Và mạng xã hội phi tập trung sẽ được xây dựng trên cơ chế này.
5. Đòi hỏi của khách hàng về hồi kết vở kịch "quyền riêng tư".
Khách hàng đang đỏi hỏi được biết hồi kết của vở kịch "quyền riêng tư" mà Facebook đã diễn suốt những năm qua. Họ muốn được Mark Zuckerberg trả lời: Tại sao họ bị lộ tất cả thông tin nhạy cảm trên mạng còn ông chủ Facebook thậm chí không muốn chia sẻ thông tin dù chỉ về khách sạn mình vừa ngủ lại đêm? Liệu Facebook có nên trả tiền cho người dùng vì dữ liệu cá nhân của họ hay không và đã đến lúc cần làm rõ ai là người sở hữu dữ liệu và giá trị của dữ liệu là bao nhiêu? Những câu hỏi này sẽ khiến ông chủ Facebook không dễ dàng tìm được câu trả lời thấu đáo. Và phong trào ''tẩy chay Facebook'' sẽ vì thế, không chỉ tiếp tục hiện hữu mà sẽ ngày một gia tăng.