7 bài học khởi nghiệp từ ông trùm Dropbox

15:27 | 22/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Drew Houston, CEO của Dropbox mới đây đã chia sẻ những lời khuyên trong việc gây dựng và mở rộng doanh nghiệp.

Drew Houston đồng sáng lập Dropbox vào tháng 6/2007, một năm sau khi tốt nghiệp từ học viện công nghệ MIT. Sau 11 năm, từ một startup với trụ sở nằm trong một căn hộ nhỏ, Dropbox phát triển thành doanh nghiệp cung cấp phần mềm nổi tiếng toàn cầu với hơn 2.000 nhân viên, được định giá 20 tỷ USD. Mới đây, Houston trở lại học viện công nghệ MIT và có buổi trò chuyện với sinh viên về những kinh nghiệm thu được sau chặng đường khởi nghiệp.

CEO của Dropbox trong buổi chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên MIT. Ảnh:MIT

Đừng chờ đợi thời điểm tối ưu

Houston cho biết ông hiểu các kỹ sư phần mềm thường có tâm lý cố gắng tối ưu hóa mọi thứ. Tuy nhiên suy nghĩ này sẽ cản trở việc bắt đầu một công ty. Nếu bạn cố gắng thực hiện xong lộ trình, ví dụ như từ làm việc cho một công ty nhỏ, chuyển sang công ty trung bình rồi gia nhập một công ty lớn, trong khi đó cố gắng lấy bằng Thạc sĩ rồi mới thành lập công ty, thì khi có cơ hội bạn đã đến tuổi nghỉ hưu.

Houston nhấn mạnh: "Việc tốt nghiệp và thành lập công ty ngay sau đó có thể không phải là sự lựa chọn lý tưởng nhưng đừng bao giờ bị ảnh hưởng bởi một lộ trình nào đó". Đồng thời, ông cũng lưu ý các sinh viên MIT đừng căng thẳng quá nhiều về việc chờ đến khi sẵn sàng, bởi sự chuẩn bị tốt nhất để trở thành một người sáng lập hoặc CEO chính là đóng vai trò người sáng lập hoặc CEO. 

Cách học tốt nhất là đọc sách thật nhiều

Để học cách điều hành một doanh nghiệp, ban đầu, Houston tìm cách gặp và trao đổi với nhiều người thành công. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra rằng, không có nhiều thứ người ta có thể chia sẻ trong một buổi gặp mặt uống café chỉ kéo dài 15 phút, và hầu hết tất cả đều đề cập đến những kinh nghiệm giống nhau.

Thay vào đó, Houston bắt đầu dành thời gian đọc sách. Để tìm hiểu về việc bán hàng, ông đã mua 3 cuốn sách được đánh giá cao nhất trên Amazon. "Những cuốn sách này không khiến bạn chào hàng tốt hơn, những nó giúp bạn biết nên làm gì và đặt mục tiêu như nào ở từng bước".

Việc học một cách có hệ thống qua từng chương sách giúp các nhà lãnh đạo tương lai tiếp cận các chủ đề mà họ chưa bao giờ hứng thú một cách dễ dàng hơn. Trong trường hợp là một kỹ sư phần mềm như Houston, thứ ông học được là kỹ năng về diễn giải trước công chúng và quản lý kinh doanh. CEO Dropbox chia sẻ: "Cũng giống khi bạn học đi xe đẹp, bạn không thể nản chí hay dừng lại nếu bị ngã – và rồi cuối cùng mọi việc sẽ trở nên dễ dàng".

Tìm một cố vấn đã có những bước đi trước bạn

Khi Dropbox bắt đầu phát triển, Houston cho biết một trong những người cố vấn đắc lực nhất của ông thời điểm đó đang điều hành một startup khác đã thành lập được 2 năm. Đó là một công ty đã gọi vốn thành công một triệu USD và tổ chức được đội ngũ nhân sự đắc lực.

Việc có một cố vấn là rất quan trọng bởi bạn có thể hỏi họ những câu hỏi mang tính chiến lược và chi tiết về việc điều hành một công ty khởi nghiệp. Ví dụ, nếu bạn có những thắc mắc về cách giải quyết những yêu cầu của một nhà đầu tư tiềm năng, bạn có thể hỏi cố vấn, người đã từng trải qua giai đoạn đó để nhận được sự tư vấn thực tế.

Ngoài ra, tìm hiểu về những kinh nghiệm của những cố vấn này sẽ giúp bạn hiểu những điều đang chờ bạn trong một hoặc hai năm tới: khi nào nên tập trung vào gọi vốn, thu hút người dùng, hay thời điểm nào nên tuyển dụng nhân sự… CEO của Dropbox cho biết: "Bạn không cần phải có một danh sách hoàn hảo từng bước đi cho doanh nghiệp mà nên có một bản đồ về những thứ cần phải học và lộ trình thực tế nhất để tìm hiểu chúng".

Dropbox trong ngày đầu IPO. Ảnh:Twitter

Cân bằng giữa nhân sự cũ và nhân sự mới

Khi một startup phát triển, đặc biệt là nếu nó phát triển một cách nhanh chóng, những nhân viên đầu tiên sẽ tự thấy bản thân mình đang đảm nhiệm những vai trò to lớn hơn so với trước.  Tại thời điểm này, việc bắt đầu thuê thêm nhân sự cấp cao "không gắn bó với công ty từ những ngày đầu" sẽ có ích. Bởi những người mới và người cũ sẽ có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Vào năm 2014, Dropbox đã thuê Dennis Woodside khi ông đang điều hành một lĩnh vực kinh doanh có giá trị 17 tỷ USD tại Google. Năm ngoái, công ty cũng đã thuê Quentin Clark trở thành phó chủ tịch cấp cao về công nghệ, sản xuất và thiết kế. Công việc trước đây là Quentin là quản lý một đội kỹ sư ở Microsoft và SAP với số lượng còn lớn hơn cả Dropbox.

Tuy nhiên Houston cũng lưu ý rằng: "Thêm những nhân tố mới từ bên ngoài sẽ giúp công ty phát triển nhanh hơn, nhưng nếu 'cấy ghép' quá nhiều sẽ dễ dẫn đến một sự xung đột trong tổ chức".

Tạo nên những thứ khó sao chép

Rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu đám mây. Thậm chí một số đơn vị còn đi trước cả Dropbox, quy mô lớn hơn và có nhiều sản phẩm hơn.

Chiến lược của Dropbox là tạo ra một sản phẩm mà các đối tác khó có thể làm theo. Dropbox Paper là một sản phẩm hợp tác sử dụng tài liệu nhưng nhấn mạnh vào việc kết nối những cá nhân đang cùng làm việc trong tài liệu đó, chứ không phải là định dạng lại tài liệu.

Theo Houston, nếu các đối thủ cạnh tranh muốn học theo Dropbox, họ sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ trong nền tảng của mình, gần như là cung cấp lại toàn bộ dịch vụ mà người dùng đang sử dụng.

Đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của thế giới

Dropbox đã chuyển đổi cốt lõi kinh doanh của công ty từ cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu trên đám mây thành giúp người dùng làm việc một cách sáng tạo và hiệu quả. Houston cho biết: "Vấn đề mà tôi giải quyết với người dùng ngày hôm nay khác rất nhiều so với 10 năm trước".

Những nhân viên văn phòng ngày nay làm việc nhiều hơn với màn hình máy tính, vì vậy, Dropbox cũng đang phải cải thiện các thiết kế, độ hữu ích để phục vụ người dùng chu đáo hơn.

Luôn giữ sự bình tĩnh

Houston chia sẻ, có nhiều thời điểm khó khăn đã xảy ra tại Dropbox khiến ông nghĩ rằng guồng máy công ty đang vận hành nhanh hơn mức ông có thể đáp ứng và có ý định nhường lại vị trí lãnh đạo cho một người khác.

Tuy nhiên sau khi đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, Houston nhận ra rằng, ông vẫn muốn vượt qua những thử thách để tiếp tục chèo lái công ty. Với tư cách là CEO của một startup mới lên sàn chứng khoán, những vấn đề xảy ra sắp tới có thể chưa bao giờ trải qua, nhưng Houston cho biết, ông có thể kiểm soát cách bản thân phản ứng lại các khó khăn đó.

Chuẩn bị cho mình sự tự nhận thức, thái độ quan tâm và bình thản là việc rất hữu dụng, CEO của Dropbox chia sẻ: "Trở thành một CEO là trải nghiệm có ích nhất nhưng cũng đau đớn nhất của tôi".

(Theo StartupViet/MIT)