Startup phải tự lực cánh sinh giữa 'mùa đông gọi vốn'
Nguồn vốn đang cạn dần
Trong năm 2021, Việt Nam đã nhận hơn 1,4 tỷ USD tiền đầu tư cho 165 startup, gấp 3,2 lần so với 2020. Số lượng startup được đầu tư trong năm 2021 cũng tăng 60% với với năm 2020. Nổi bật trong đó là ngành game với tăng trưởng lên tới 2.813%. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về đầu tư, khi chiếm tới 19% thị trường về số lượng đầu tư và 13% về số tiền.
Những con số trên khiến cộng đồng khởi nghiệp lạc quan. Giới đầu tư cũng kỳ vọng, kết thúc năm 2022, tổng vốn đầu tư vào startup Việt có thể đạt hơn 2 tỷ USD. Nửa đầu năm 2022, đã xuất hiện một số thương vụ gọi vốn đầu tư nổi bật, như Finhay công bố huy động thành công 25 triệu USD, OnePoint gọi vốn 50 triệu USD... Dù vậy, dòng vốn đầu tư mạo hiểm được dự báo không dồi dào như năm 2021.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nhân Trẻ, bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam cho biết thời gian tới nhà đầu tư sẽ hạn chế giải ngân, đổi sang trạng thái “phòng thủ”, tập trung hỗ trợ công ty trong danh mục thay vì tìm kiếm thương vụ mới. Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trong năm ngoái, với quy mô nguồn vốn dồi dào, các startup vì muốn tăng trưởng nhanh chóng mà lãng phí tiền bạc nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng. Chính vì sự thất vọng với các doanh nghiệp trẻ, các nhà đầu tư đang dần tỏ ra thận trọng khi tài trợ cho các công ty khởi nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn toàn cầu đang bắt đầu cạn kiệt do tác động của các yếu tố chung như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và chiến tranh Nga-Ukraina.
Nhiều chuyên gia dự báo sau một thời gian “nắng ấm kéo dài”, các công ty khởi nghiệp giờ đây đang thức dậy với một mùa đông dài và lạnh giá. Bên cạnh đó, bà Maggie Võ, Giám đốc điều hành Quỹ Fuel VC tại Miami (Florida, Mỹ) cho rằng, vẫn có rất nhiều vấn đề cố hữu cản trở việc gia nhập của các quỹ đầu tư quốc tế.
Trên Báo Đầu tư, bà Maggie Võ chỉ ra, Việt Nam đang thiếu những vòng đầu tư có trị giá trên 100 triệu USD. Các startup ở Việt Nam cần cho nhà đầu tư thấy có thể tạo ra nhiều thương vụ gọi vốn trên 100 triệu USD, bởi tính theo 10% sở hữu, thì startup đó mới có cơ hội trở thành kỳ lân. Bên cạnh đó, những nhà sáng lập trẻ tại Việt Nam dù hiểu về công nghệ rất tốt, nhưng lại thiếu kiến thức trong gây quỹ, văn hóa doanh nghiệp và luật pháp. Chính điều đó đã gây cản trở trong việc mở rộng thị trường, đáp ứng được chuẩn quốc tế, cũng như cạnh tranh với startup từ các nước khác.
Ngoài ra, quy trình pháp lý liên quan đến khởi nghiệp còn chưa hoàn thiện cũng tạo ra rào cản lớn cho các startup và quỹ gia nhập thị trường, từ đây dẫn tới thiếu nhà đầu tư lớn, startup gọi vốn được ít khiến công ty không hấp dẫn và vòng tròn này cứ lặp đi, lặp lại. Nếu điều này được khắc phục, Việt Nam sẽ thực sự trở thành mảnh đất hấp dẫn đầu tư khởi nghiệp và nuôi dưỡng kỳ lân.
Đã đến lúc phải “tự lực cánh sinh”
“Mùa đông” startup đang đến và được dự báo sẽ kéo dài ít nhất 2 năm. Trong khi nguồn vốn được xem là dòng máu của startup cạn kiệt, dòng vốn mới không còn dồi dào như trước, theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, startup đang đứng trước 2 sự lựa chọn: một là dùng nguồn lực tự thân thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng, hai là dùng đòn bẩy tài chính (gồm gọi vốn và vay) thì doanh nghiệp sẽ khó chồng khó khi phải chịu mức lãi cao trong bối cảnh khủng hoảng.
Do đó, theo nhà đầu tư này, thị trường khủng hoảng cũng là cơ hội để startup phải quay trở về các hoạt động kinh doanh cốt lõi để thu hút khách hàng, tìm kiếm lợi nhuận từ mô hình kinh doanh của mình thay vì tìm kiếm nguồn vốn mạo hiểm để tăng trưởng nhanh như trước.
Đồng tình với quan điểm giai đoạn khủng hoảng là cách để startup tìm cách dựa vào chính mình thay vì nguồn vốn mạo hiểm, bà Hoàng Thị Kim Dung - Chuyên viên đầu tư tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Genesia Ventures có nhắc đến những bài học quan trọng về việc tăng ROL - “hiệu suất may mắn” cho startup.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Jim Collins trong cuốn sách “Great by Choice” chỉ ra rằng, các công ty vĩ đại hiện nay là do tạo ra được nhiều hiệu suất may mắn (ROL) hơn. Để tăng ROL, startup phải luôn có sự chuẩn bị.
Điển hình như trường hợp của BuyMed, hiện là nền tảng kết nối 16.000 nhà thuốc tại Việt Nam, đã đối phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc và vật tư trong đại dịch bằng cách tự phát triển đội ngũ vận chuyển đơn hàng của mình, thay vì phụ thuộc vào đối tác vận chuyển thứ ba. Nhờ liên tục tối ưu vận hành, BuyMed vừa chủ động trong vận đơn, vừa tối ưu được 10-15% chi phí so với việc thuê ngoài.
“Các startup, trong mọi bối cảnh, cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân lực và nền tảng công nghệ cần thiết, liên tục đánh giá tình hình và luôn để mắt đến bất kỳ thay đổi tiềm năng nào ở phía trước, để đến khi những sự kiện may mắn ập đến thì họ luôn ở thế sẵn sàng đón lấy. Bên cạnh đó, startup cũng cần phải chuẩn bị cho cả những thách thức, những gì mình không thể kiểm soát hoặc dự đoán và chuẩn bị đủ nguồn lực đủ mạnh mẽ để biến nguy thành cơ, tối ưu hiệu suất may mắn để thành công”, bà Kim Dung cho hay.
Mặt khác, “khẩu vị” của các nhà đầu tư thay đổi cũng mở ra những cơ hội mới cho startup thật sự chất lượng khi họ không còn phải đau đầu cạnh tranh với những startup tăng trưởng nhanh trên bề nổi.
Như trong thương vụ rót 2,4 triệu USD vòng Pre-Series A cho startup Azota (nền tảng công nghệ giáo dục cho phép giáo viên tạo và chấm điểm các bài thi trực tuyến), bà Lê Hoàng Uyên Vy - CEO Quỹ đầu tư Do Ventures cho biết, bà ấn tượng với startup này vì dù ở giai đoạn sớm nhưng Azota đã sớm đầu tư vào data (dữ liệu) và ra quyết định xây dựng/cải tiến sản phẩm dựa vào data - điều mà rất ít startup làm được.
Cũng trong nửa đầu năm, hàng loạt startup Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được nguồn vốn “khủng”, bất chấp dòng vốn đầu tư mạo hiểm ảm đạm. Đơn cử như Sky Mavis (150 triệu USD), Con Cưng (90 triệu USD), OnPoint (50 triệu USD), Entobel (30 triệu USD), Finhay (25 triệu USD), Jio Health (20 triệu USD), Timo (20 triệu USD), POC Pharma (10,3 triệu USD), Mio (8 triệu USD), OpenCommerce Group (7 triệu USD)…
Như vậy có thể thấy, trong “nguy” luôn có “cơ” và Việt Nam vẫn được đánh giá là ngôi sao đang lên của châu Á, do đó vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Điều quan trọng nhất là startup trong mọi hoàn cảnh cần có sự chuẩn bị chu đáo và nắm bắt được cơ hội.