7 địa phương thu hút FDI 11 tháng vượt mức cả năm 2022
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI 11 tháng đầu năm 2023, với 3,1 tỷ USD, theo sau là TP HCM (3,08 tỷ USD) và Hải Phòng (2,87 tỷ USD).
Trong nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu này, có 7 địa phương hút vốn ngoại vượt mức cả năm 2022 gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó nổi bật nhất là Bắc Giang với 2,72 tỷ USD (cả năm 2022 thu hút 1,21 tỷ USD).
Thu hút vốn FDI của Bắc Giang trong 11 tháng vượt xa mức cả năm 2022
Trong năm 2023, nhiều ông lớn FDI tiếp tục nâng vốn đầu tư vào Bắc Giang như Công ty TNHH JA Solar Việt Nam đăng ký đầu tư tăng thêm 378 triệu USD để mở rộng sản xuất; Luxshare - ICT điều chỉnh tăng thêm 330 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư ở Bắc Giang lên hơn 500 triệu USD.
Hồi đầu năm, tỉnh đón hai dự án mới 760 triệu USD từ nhà đầu tư Trung Quốc và Singapore. Cụ thể, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Nhà máy công nghệ chính xác Fulian” cho nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd và trao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Fulian là tổ chức thực hiện dự án.
Dự án này thực hiện tại KCN Quang Châu (Việt Yên) trên diện tích 49,6 ha. Mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông.
Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã trao Biên bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (đến từ Trung Quốc) và Ban Quản lý các KCN tỉnh. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm trong KCN tỉnh Bắc Giang. Dự án đã được triển khai từ quý I/2023.
Nghệ An lần đầu hút vốn FDI vượt 1 tỷ USD
Nghệ An cũng là địa phương gây chú ý khi thu hút vốn FDI lần đầu vượt 1 tỷ USD, trong khi cả năm ngoái, vốn FDI đăng ký vào tỉnh chỉ đạt 890 triệu USD.
Tại kỳ họp của HĐND tỉnhNghệ An vừa diễn ra, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết dự kiến đến cuối năm 2023, thu hút FDI của tỉnh đạt gần 1,47 tỷ USD.
Trong năm 2023, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An làm điểm đến đầu tư kinh doanh như Foxconn được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư, dự án có diện tích khoảng 48 ha và dự kiến hoàn thành xây dựng hạng mục nhà xưởng và công trình phụ từ tháng 6/2023-6/2024. Giai đoạn tiếp theo, từ tháng 7/2024 - 10/2024, nhà đầu tư sẽ nhập khẩu thiết bị máy móc, vận hành chạy thử để hoàn thiện các công đoạn đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 400 triệu dây kết nối/năm, 94 triệu sạc không dây/năm và trên 627 đầu kết nối/năm.
Đến tháng 6, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) để sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.
Cũng trong tháng 6, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã trao Giấy chứng nhận đầu tư trị giá 293 triệu USD cho Tập đoàn Khoa học, Kỹ thuật năng lượng mới Runergy (Trung Quốc) chuyên sản xuất thanh silic và đĩa bán dẫn.
Việc thu hút FDI thuận lợi cũng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An đạt 1,47 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, vượt giá trị của nhiều năm trước (ngoại trừ năm 2022).
Vốn FDI vào Quảng Ninh gấp hơn 3 lần kế hoạch năm
Nhìn lại giai đoạn trước từ năm 2015 đến 2020, thu hút vốn FDI của tỉnh Quảng Ninh luôn dưới 600 triệu USD. Đến năm 2021, vốn ngoại đổ vào tỉnh lần đầu vượt 1 tỷ USD, tăng lên 2,36 tỷ USD vào năm 2022. 11 tháng đầu năm 2023, tăng mạnh lên 3,1 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kế hoạch năm.
Hồi tháng 10 mới đây, tập đoàn Jinko Solar tiếp tục đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD.
Cùng với dự án công nghệ tế bào quang điện và 2 dự án công nghiệp tấm silic tại KCN Sông Khoai, dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này trên địa bàn tỉnh lên trên 2,5 tỷ USD.
Sau dự án đầu tư nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và tivi đầu tiên tại KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên) vào năm 2019, tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Foxconn cũng tiếp tục đầu tư hai dự án sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện, linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Hai dự án này đã nâng tổng số vốn đầu tư của Foxconn tại Quảng Ninh hiện nay lên trên 350 triệu USD.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 6/12, ông Cao Tưởng Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 11,03%. Đây là lần đầu tiên Quảng Ninh đứng thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước.