8 hiệp hội doanh nghiệp đề xuất thêm giai đoạn "chuyển tiếp" trước khi sống chung với dịch
Những điểm chưa hợp lý
Các hiệp hội đại diện cho nhiều ngành hàng vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM, Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch.
Trong đơn kiến nghị có nội dung đồng tình với dự thảo của Bộ Y tế đưa ra khá rõ ràng với năm chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, dự thảo chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo. Từ đó các doanh nghiệp cho rằng "nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "Zero COVID" chứ chưa thành “sống chung COVID-19”
Đầu tiên đó là việc trên 80% số người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine. Các hiệp hội lập luận rằng với quy định trên thì thành phố Hồ Chí Minh hiện đang vẫn ở cấp độ 4, còn rất lâu (2-3 tháng nữa) mới có thể mở cửa. Nếu vậy vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế lẫn tốn kém, phí phạm vaccine bởi người tiêm đủ vẫn không thể làm việc.
Hay các nội dung thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine, cũng có thể dẫn tới lãng phí không cần thiết. Nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vaccine sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết.
Một số quy định bị các hiệp hội coi là hợp với chủ trương cũ, không còn COVID-19 và tác động lớn tới kinh tế. Chẳng hạn, quy định cách ly tập trung với F0, F1; chỉ điều trị F0 tại nhà với trường hợp dịch ở cấp 3 và 4; hay ngừng hoạt động trung tâm thương mại và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng ở vùng cấp 4...
Các hiệp hội ghi trong đơn kiến nghị rằng những quy định trên nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi. Một khi đã tiến tới sống chung với virus, đã tiêm đủ vaccine mà vẫn quy định cách ly tập trung F0, F1, truy vết... sẽ rất tốn kém, gây quá tải hệ thống y tế.
Cần một giai đoạn chuyển tiếp
Chính vì những điều chưa phù hợp trong dự thảo hướng dẫn, do đó các hiệp hội đồng thuận kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cần có một chiến lược riêng trong giai đoạn chuyển tiếp ngắn độ 3 - 5 tháng cho khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh với phương châm phòng chống dịch theo điểm, không phong tỏa diện rộng.
Cụ thể, chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý 1/2022). Mục đích của giai đoạn này nhằm để mở cửa sống chung với virus, tách hai vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp.
Các doanh nghiệp đề xuất, giai đoạn chuyển tiếp chia làm hai vùng.
Vùng 1: Các vùng dịch đang bùng phát (Chỉ thị 16): cho phép người đã tiêm đủ vắc xin, F0 đã khỏi được đi làm. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách cho phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vắc xin;... cần quy trình hướng dẫn cụ thể DN xử lý F0 trong mỗi giai đoạn. Không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.
Vùng 2: Dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch. Vùng này có 0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày trong một tuần liên tiếp và có xu hướng tăng thì nâng mức cảnh báo nhưng không phong tỏa diện rộng. Cân nhắc áp dụng giới nghiêm ở các phường/xã có nhiều F0, ngưng các hoạt động không thiết yếu ở các khu dân cư giáp ranh với các vùng dịch hay có nguy cơ cao về dịch tễ. Việc này để sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân ít bị ảnh hưởng nhất mà vẫn kiểm soát được dịch.
Đơn kiến nghị nêu rằng, các hiệp hội đề xuất vùng nào tiêm đủ vaccine sớm theo các tiêu chí có thể nhanh chóng chuyển đổi sang “bình thường mới”, bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa. Chỉ thực hiện cách ly tại nhà, truy vết, và quản lý theo mức độ dịch.
Trường hợp với các thành phố, khu đô thị có mật độ dân cư cao thì dựa trên số ca/100.000 dân để đánh giá mức độ nguy cơ, phòng chống dịch theo điểm thay thế phong tỏa. Với các vùng nông thôn đặc điểm mật độ dân cư thấp và xét nghiệm ít thì số ca/100.000 dân chỉ có tính chất tham khảo, nên tập trung phòng chống dịch theo cụm dân cư.
Giai đoạn sống chung với virus (dự kiến từ giữa quý I/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vaccine sớm hơn). Các hiệp hội tiếp tục góp ý: Mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc xin cho >70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 (>80% người trên 50 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ).
Về giãn cách, nên làm phù hợp theo cấp độ dịch nhưng có điều chỉnh nới rộng: Sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại hoàn toàn cho mọi cấp độ dịch. Giảm 1 cấp đối với việc giới hạn số người tham gia hội họp, sự kiện so với thời điểm chuyển tiếp. Bên cạnh đó, DN đề xuất bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, bao gồm cả người và xe vận tải (không cần luồng xanh). Loại bỏ hầu hết các quy định cách ly cũ với F1, người từ vùng khác đến và xét nghiệm trên diện rộng. Cho phép F0 điều trị tại nhà. Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường cho người lớn.