VCCI tiếp tục đề nghị hàng loạt chính sách lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh Covid-19 diễn ra sáng 26/9, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN đến hết tháng 6/2022.
Ngoài ra, VCCI đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… từ 30% lên 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó DN sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay các giải pháp hỗ trợ về thuế, gồm giảm thuế thu nhập DN chỉ giới hạn trong năm 2021.
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về những khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Từ đó, khiến chi phí cố định trong doanh nghiệp bị tiêu hao, nhưng không có nguồn thu bù đắp.
Dù đã có những chính sách hỗ trợ thuế, phí, giãn hoãn cơ cấu nợ ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nóng để trang trả các chi phí. Không những vậy, số tiền doanh nghiệp phải chi cho phòng chống dịch là rất lớn.
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí về phòng chống dịch bệnh cho những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất, trong thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN 30%, là các DN có tổng doanh thu năm không quá 300 tỷ đồng thay vì mức không quá 200 tỷ đồng như đang đề xuất tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo VCCI, tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Vì vậy, nếu quy định doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là chưa hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng hỗ trợ.
Để các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, VCCI đặt vấn đề việc xây dựng và thực thi chính sách cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp, như các giải pháp mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay; các giải pháp hỗ trợ phục hồi; và các giải pháp mang tính tái cấu trúc, phát triển bền vững về trung và dài hạn.
Đối với các giải pháp cấp bách, cần thực hiện ngay, cộng đồng DN đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới; đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các CT 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm “sống chung lâu dài với dịch bệnh”.
Đối với các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, theo VCCI, cần duy trì sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh sống chung lâu dài với dịch bệnh chính là điều kiện bình thường mới mà nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến, Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch hỗ trợ và có giải pháp cấp thiết để giúp DN tái hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch HBA, 18 KCX-KCN và Khu công nghệ cao TP.HCN có 1.500 DN, trong đó có 500 DN FDI. Thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ, có 700 DN với 70.000 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, chiếm 1/4 số lao động tại các khu này.
Hiện DN đang từng bước tái hoạt động và phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng hiện các DN và công nhân “3 tại chỗ” đang rất đuối sức. Vì thế, HBA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch hỗ trợ và có giải pháp cấp thiết hỗ trợ DN. Cụ thể, đề nghị phủ mũi 2 vaccine cho công nhân của 18 KCN, KCX tại TP.HCM. Thực tế, trên 300.000 công nhân đã được tiêm mũi 1 và nay đã đến thời hạn tiêm mũi 2. Còn hơn 100.000 công nhân tiêm mũi 1 đã về quê, trong đó có khoảng 30.000 công nhân tại các vùng giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.
“Xin Thủ tướng và Ban chỉ đạo có khuyến cáo với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và các tỉnh thành hỗ trợ tiêm mũi 2 cho lực lượng công nhân đã về quê nói trên khi họ xuất trình tiêm mũi 1 tại TP.HCM”, HBA kiến nghị.