8 vấn đề kinh doanh quốc tế nổi bật năm 2017
Tháng 7/2017, CEO đồng thời là nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos - 53 tuổi chính thức vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu có nhất hành tinh. Trong phiên mở cửa ngày 26/7, khối tài sản của Jeff Bezos đã cán mốc 90,6 tỷ USD, tức là nhiều hơn tổng tài sản của Bill Gates 500 triệu USD. Tiếp theo, ngày 25/11, tài sản của nhà sáng lập Amazon tăng thêm 2,4 tỷ USD lên mức 100,3 tỷ USD khi cổ phiếu của công ty này tăng hơn 2% do sự lạc quan của thị trường về doanh thu ngày Black Friday. Cột mốc này đánh dấu Jeff Bezos trở thành người đàn ông trăm tỷ thứ 2 trong lịch sử thế giới.
Nổi lên là hiện tượng start-up mang tính cách mạng, chẳng ai ngờ được Uber lại đang trải qua kết cục rối ren như hiện nay. Khởi nguồn là từ đầu tháng 2, Susan Fowler, một cựu kỹ sư của Uber công khai trên blog cá nhân về việc từng bị giám sát viên của mình quấy rối tình dục, nhưng bộ phận nhân sự của Uber đã phớt lờ các tố cáo đó. Ngay sau vụ việc của Fowler, hàng loạt nhân viên Uber khác đã lên tiếng về những vấn đề mang tính hệ thống khác, như những nhân viên hoặc lái xe có phong độ làm việc tốt, tăng trưởng mạnh sẽ bị công ty thu thêm phí….
Cuối tháng 3, Uber bị phát hiện vi phạm quy định ứng dụng của Apple tại Trung Quốc. CEO Tim Cook của Apple đã phải mời cá nhân Travis đến trụ sở Apple để yêu cầu Uber ngừng phá rào.
Kết quả là tháng 6, CEO đồng thời là nhà sáng lập công ty Travis Kalanick đã buộc phải rời khỏi vị trí CEO công ty. Sau đó vài tuần, Hội đồng Quản trị đã tìm ra được vị lãnh đạo mới cho công ty là Dara Khosrowshahi - cựu CEO Expedia. Nhiều người nhận định, với những khó khăn mà Uber đang trải qua, công việc mà CEO Dara mới đảm nhận quả là "không ai muốn động vào.
Ngày 17/2, Hàn Quốc gây chấn động với thông tin Tòa án quận Trung tâm Seoul cho biết đã bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong nhằm phục vụ công tác điều tra vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye. Sau nhiều tháng điều tra làm rõ, tới tháng 8/2017, "thái tử" Lee cuối cùng bị tuyên án 5 năm tù giam vì những tội danh gồm hối hộ, biển thủ công quỹ và chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Hiện phía luật sư của thái tử Lee đã nộp đơn kháng cáo nhưng có một thực tế là hiện tại Samsung đang thiếu vắng hai vị trí lãnh đạo cấp cao nhất gồm Chủ tịch (ông Lee Kun-hee đã nằm viện và không hề xuất hiện trong suốt 3 năm) và Phó Chủ tịch. Mọi việc điều hành ở tập đoàn này được trao lại cho các lãnh đạo cấp cao và có vẻ như mọi thứ đều diễn ra êm đẹp.Tháng 5/2017, Vision Fund của SoftBank đã chính thức trở thành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất giới khi đạt mức dự trữ 93 tỷ USD và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Hãng còn kỳ vọng sẽ đạt con số 100 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới. Đó là khoản tiền rất lớn mà một quỹ tư nhân sở hữu, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của các công ty công nghệ triển vọng. Theo dự báo, nhờ tốc độ gây quỹ nhanh như vậy mà SoftBank có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư "sừng sỏ" như Apple và Qualcomm.
Những gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản lao đao. Toshiba bên bờ vực phá sản, Sharp phải bán mình cho Foxconn, Sanyo bị Panasonic thâu tóm.... là những tin buồn của giới kinh doanh Nhật Bản năm vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng đáng buồn này là các công ty của Nhật không đủ nhanh nhạy đón đầu, theo kịp những đổi mới. Cứ tưởng tượng thế này, tại quốc gia đã phát minh ra Walkman, các tên tuổi lớn nhất đều bỏ lỡ xu hướng quan trọng-chẳng hạn smartphone- và bị nhấn chìm bởi tệ quan liêu trong doanh nghiệp. Những quyết định khiến tiền bạc thất thoát và các bê bối kế toán cũng nổi lên.Tương lai đối với những thương hiệu công nghệ lừng lẫy một thời tại Nhật Bản hiện rất mù mờ. Nếu không có những thay đổi đúng đắn và kịp thời, họ có thể sẽ mãi mãi bị tụt lại phía sau.Hàng loạt start-up đổ vỡ. Năm vừa qua có quá nhiều tin buồn đến với giới startup thế giới. Nếu như LeEco của Trung Quốc ngập trong nợ nần, nhà sáng lập phải lẩn trốn thì Theranos của Mỹ gần như phá sản, vừa được tung hô là tỷ phú 1 năm trước, tài sản của nữ sáng lập xinh đẹp của công ty này giờ chỉ là con số 0 tròn chĩnh.
Những công ty giao đồ ăn như Maple, Sprig và SpoonRocket đã sụp đổ còn công ty dịch vụ giặt đồ theo yêu cầu Washio cũng đã phải đóng cửa. Còn những công ty tạm gọi "thành công hơn" cũng hầu như không có lãi.
Những trường hợp như vậy xảy ra khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của những startup và thậm chí chỉ trích tình trạng đầu tư "mù quáng" của một số nhà đầu tư.
Minh Hoa (theo Cafebiz)