9 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2018

18:28 | 16/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bộ Công Thương vừa công bố 9 sự kiện nổi bật của ngành công thương trong năm 2018. Tạp chí Doanh nhân Việt Nam xin giới thiệu tóm tắt các sự kiện này.

1. Tổng Bí thư đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương

Ngày 11/7/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đến thăm và làm việc với Ban Cán sự Đảng cùng tập thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt Bộ Công Thương.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và biểu dương những kết quả, thành tích của ngành Công Thương đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời yêu cầu toàn ngành tập trung vào những hướng nhiệm vụ chiến lược trong bối cảnh mới, không được chủ quan mà phải phát huy khí thế mới, quyết tâm mới để tiếp tục phát triển đi lên.

9 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2018 - ảnh 1
 Tổng Bí thư đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương (ảnh Nhật Bắc).

2. Tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý của Bộ Công Thương đạt kết quả tích cực

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của Bộ Công Thương trong công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bố trí lại cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong năm qua, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện đầu tư kinh doanh trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%), nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.

Cũng trong năm 2018, Bộ Công Thương tiến hành bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 293 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp Trung ương đã được Bộ Công Thương triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó, có 143 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối 7 dịch vụ công trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

3. Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5 thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi

Ngày 12/6/2018, Luật Cạnh tranh 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 với 95,28% đại biểu biểu quyết tán thành thông qua. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh 2018 được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả thực thi.

Một số sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi; Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền; Thay đổi căn bản cách tiếp cận để hoàn thiện các quy định kiểm soát tập trung kinh tế; Hoàn thiện quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi; Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh…

Luật Cạnh tranh 2018 được ban hành được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực thi, góp phần tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Ngành công thương đạt và vượt mức tất cả các chỉ tiêu được giao trong kế hoạch năm 2018, trong đó một số chỉ tiêu vượt ở mức cao

 Năm 2018, ngành công thương đã thực hiện đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao đều đã thực hiện đạt và vượt. Trong đó một số chỉ tiêu vượt ở mức cao.

Xuất khẩu đạt qui mô kim ngạch khoảng 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% (là mức rất cao so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra 7 - 8%) trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng. Xuất siêu cả năm dự kiến đạt mức kỷ lục 7,2 tỷ USD (cao gần gấp 3 lần so với năm 2017), bảo đảm duy trì thặng dư cán cân thương mại 3 năm liên tiếp.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3%, là mức cao nhất trong vòng 7 năm gần đây, tiếp tục khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế cả nước.

5. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới, thứ 4 ASEAN

Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc, được xếp ở mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay, đạt 87,94 điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế, tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017, và được tính vào chỉ số có cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của nền kinh tế.

Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí và được coi là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực (từ hạng 156 năm 2013 lên hạng 27 năm 2018). Theo xếp loại hiện nay thì Việt Nam đã vượt qua Philippines và hiện đứng thứ 4 khu vực ASEAN.

6. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Ngày 12/11/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, với 469/469 đại biểu có mặt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Như vậy, sau quá trình nhiều năm đàm phán và được 11 nước thành viên chính thức ký kết tại Chile vào ngày 9/3/2018, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và là một trong 7 nước đầu tiên phê chuẩn thông qua Hiệp định này, đưa Hiệp định chính thức đi vào thực hiện từ ngày 14/1/2019.

Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, việc thực hiện Hiệp định này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.

7. Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường

 Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.

Việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường là một bước quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân.

9 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2018 - ảnh 2
 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là một trong những sự kiện nổi bật của ngành Công thương.
 8. Chính thức vận hành thương mại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn
 Ngày 23/12/2018, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức được đi vào vận hành thương mại. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (trên 9 tỷ USD) với công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, hoàn thành và vận hành thương mại sau 5 năm thi công.
Kể từ tháng 6/2018, khi tất cả các phân xưởng công nghệ đã được khởi động thành công theo quy trình, đến nay Nhà máy đã chế biến khoảng 5 triệu tấn dầu thô để đã sản xuất ra những sản phẩm thương mại đầu tiên gồm xăng RON 92, RON 95 và dầu diesel để cung ứng cho thị trường. Theo kế hoạch, khi đạt 100% công suất vận hành, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng được 40% thị trường nhiên liệu trong nước, các sản phẩm hóa dầu chiếm khoảng 17% tổng sản lượng sẽ được xuất bán ở thị trường nước ngoài. Cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản lượng xăng dầu cung cấp từ 2 nhà máy lọc dầu sẽ đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
9. Một số sản phẩm công nghiệp chế tạo quan trọng được doanh nghiệp tư nhân sản xuất
 Năm 2018 đã ghi nhận những dấu ấn nổi bật của một số doanh nghiệp tư nhân trong việc trực tiếp sản xuất và đưa ra thị trường một số sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao.
Điển hình là việc lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam là VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã đưa sản phẩm xe ô tô sang trưng bày tại Paris Motor Show, một trong những triển lãm ô tô danh giá nhất thế giới vào đầu tháng 11/2018, và đã chính thức đưa 3 dòng xe ô tô do mình sản xuất ra thị trường. Ngay sau đó, cũng một đơn vị thuộc Vingroup đã đưa hoàn thành việc sản xuất và mở bán 4 dòng sản phẩm điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart ra tiêu thụ.
Những thành công của Vingroup và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác của Việt Nam trong năm 2018 cho thấy chủ trương phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường đã lan tỏa và được triển khai thực hiện trong thực tiễn với những kết quả rất tích cực. Đây là cơ sở để ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung có thể đẩy nhanh được quá trình tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng đã đề ra.