9x vẫn đang xin tiền bố mẹ, đừng mong trưởng thành hay gặt hái thành công
Có một câu nói về tiền bạc như sau: "Sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là cách thức quản lý tiền bạc". Không bàn đến chuyện xuất thân ra sao, đi học trường nào, điểm quan trọng khiến một người thành công là tư duy của họ, và đôi khi nó được biểu hiện ra ở thói quen chi tiêu.
Thế hệ 9x ở thời điểm hiện tại cũng đã ra trường 1-2 năm, phần đông đã có công ăn việc làm, mức lương ổn định
Hầu hết những người biết quản lý tiền bạc đều là những người độc lập, trưởng thành, biết nghĩ cho bản thân và cả cho người khác. Thế hệ 9x tính đến thời điểm hiện tại cũng đã ra trường 1-2 năm, phần đông đã có công ăn việc làm, lương lậu ổn định, không đến mức để bố mẹ quá lo lắng. Thế nhưng, trong số biết bao nhiêu người trẻ 9x, có mấy ai để dành được một khoản và dùng để phòng trừ bất trắc?
Quả thực, số người làm được điều đó không phải là ít, nhưng so với đa số thì vẫn còn là một con số khiêm tốn. Hầu hết người trẻ đều sử dụng tiền kiếm được để phục vụ nhu cầu cá nhân trước mắt, chứ không mấy ai nghĩ đến chuyện tiết kiệm.
Một trong những lý do khiến người trẻ không có thói quen tiết kiệm, là do bố mẹ họ đã không dạy họ quản lý tài chính từ sớm. Phần lớn phụ huynh sẵn sàng chi tiền hay cho con tiền mà không chỉ bảo chúng xem cần tiêu xài thế nào, tiết kiệm ra sao.
Phụ huynh cứ giữ quan niệm "tiền của mình là phải để con cái hưởng thụ", lâu dài làm ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành về mặt nhận thức của con cái
Hãy nhớ rằng, tiền của cha mẹ thì mãi là của họ, dù họ có cho ta thì số tiền đó không phải là của ta kiếm được bằng công sức bản thân. Phụ huynh cứ giữ quan niệm "tiền của mình là phải để con cái hưởng thụ", lâu dài làm ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành về mặt nhận thức của con cái. Nếu ta cứ xem tiền của bố mẹ là tiền của mình, thì cả đời chỉ là một con "ốc mượn hồn" mà thôi.
Ý thức được điều đó, người Do Thái đã luôn tìm cách dạy còn quản lý tài chính từ rất sớm. Theo cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương của Sara Imas - bà mẹ Do Thái nuôi dạy 3 người con thành tỷ phú, người Do Thái đã dạy con cách chi tiêu từ nhỏ như sau:
3 tuổi: Phân biệt đâu là tiền giấy và tiền kim loại (tiền xu), nhận biết mệnh giá.
4 tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế phải lựa chọn.
5 tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, do đó phải chi tiêu hợp lý.
6 tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền bạc, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản.
7 tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có mua hàng hay không.
Người Do Thái đã luôn tìm cách dạy còn quản lý tài chính từ rất sớm để chúng học cách tự lập và quý trọng đồng tiền
8 tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt.
9 tuổi: Lập kế hoạch chi tiết, biết mặc cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán.
10 tuổi: Biết tiết kiệm trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn như mua giày, ván trượt.
11 tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá, ưu đãi.
12 tuổi trở lên: Hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản.
Theo tâm lý học, cách cha mẹ đối xử với con từ thời thơ ấu có thể ảnh hưởng lớn tới nhận thức và tính cách của con khi trưởng thành. Do đó, phụ huynh nên ghi nhớ rằng: Thái độ với tiền bạc sẽ ảnh hưởng quan trọng đến khả năng kiếm tiền và sử dụng tiền bạc hợp lý. Dạy cho con biết giá trị đồng tiền từ sớm, chúng sẽ biết quý trọng tiền bạc hơn, bớt tiêu xài hoang phí và học cách tiết kiệm.
Chi Nguyễn