Alphabet - Kết quả cuộc tái cơ cấu thế kỷ của Google
Alphabet Inc. là tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, được đặt trụ sở tại Mountain View, California. Từ năm 2015, Alphabet chính thức trở thành công ty mẹ của Google và một số công ty con khác dưới trướng Google.
Hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin lần lượt đóng vai trò Giám đốc điều hành và Chủ tịch tập đoàn. Tính đến năm 2017, Alphabet đã có hơn 80.110 nhân viên.
Alphabet đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm một số ngành công nghiệp, công nghệ, khoa học đời sống, nghiên cứu, đồng thời, sở hữu một số công ty con bao gồm Google, Calio, Chronicle, GV, CapitalG, Verily, Waymo, X và Google Fiber.
Sau khi tái cơ cấu, Larry Page trở thành CEO của Alphabet và Sundar Pichai đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành của Google. Cổ phiếu của Google cũng được chuyển thành cổ phiếu của Alphabet là “GOOG” và “GOOGL” của Google.
Google bất ngờ tái cơ cấu
Tháng 8/2015, Google công bố kế hoạch tạo ra một công ty mới, có tên là Alphabet. CEO của Google, ông Larry Page đã đưa thông báo chính thức trên blog của Google. Alphabet được tạo ra để tái cấu trúc Google bằng cách chuyển các công ty con của Google sang Alphabet, từ đó thu hẹp phạm vi hoạt động của Google.
Công ty này bao gồm Google, Nest Labs và Calio, cũng như các công ty con khác như X, Google Capital và GV. Giám đốc bộ phận của Google là Sundai Pichai cũng trở thành CEO của Google, thay thế cho Larry Page.
Nhà sáng lập Google, ông Page, cho biết việc thành lập Alphabet giúp Google không chỉ gói gọn lĩnh vực đầu tư xung quanh mảng Internet mà còn muốn mở rộng sang các siêu dự án có tầm ảnh hưởng đến toàn cầu.
Ông cùng người đồng nghiệp, Sergey Brin, đã quyết định thành lập Alphabet và biến Google trở thành một phần của công ty mới. Như vậy, Alphabet trở thành một tập đoàn công nghệ đa ngành với hàng loạt các siêu dự án mới.
Về cái tên Alphabet, ông Page cho biết đó là cái tên nguyên thủy của bộ chữ cái Latin. Ngôn ngữ viết chính là một trong những yếu tố tượng trưng cho sự phát triển của loài người, của trí tuệ. Bảng chữ cái Latin chính là hiện thân rõ nhất cho trí tuệ của nhân loại, là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Đây chính là ý nghĩa mà ông muốn truyền tải qua cái tên Alphabet.
Những kết quả khiêm tốn của Alphabet
Sau cuộc tái cấu trúc thế kỷ, Alphabet được đặt khá nhiều kỳ vọng cho một tương lai mới sáng sủa hơn. Tuy nhiên, sau một năm, Alphabet vẫn chỉ được các chuyên gia chấm cho điểm “B” khiêm tốn.
Trong khi Google luôn nằm trong top dẫn đầu doanh thu các năm trước thì đến năm 2016, đánh dấu một năm sau khi trở về “ngôi nhà chung”, Alphabet lại tụt xuống hạng thứ 21. Tập đoàn này đành phải ngậm ngùi nhìn Apple vươn lên vị trí đầu bảng.
Mặc dù Google vẫn được cho là phát triển tốt, doanh thu trong quý III/2016 là 21,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng quý năm 2015. Tuy nhiên, những dự án lớn, vốn được xem là mục đích “tạo” ra Alphabet, lại không có tiến triển khả quan.
Trong 4 quý liên tiếp từ cuối năm 2015 đến quý III/2016, các dự án lớn đã làm mất 3,7 tỷ USD và chỉ thu được khoảng 500 triệu USD doanh thu, chiếm khoảng 1% doanh thu hàng quý của Alphabet.
Mới đây, Amazon đã chính thức “vượt mặt” Alphabet để trở thành công ty lớn thứ 2 thế giới. Giá trị cổ phiếu của Amazon đạt 1.581 USD/cổ phiếu, giúp giá trị hòa vốn trên thị trường của công ty này đạt 765,79 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu của Alphabet chỉ ở mức 1.094 USD/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa thị trường là 760,92 tỷ USD, kém Amazon gần 5 tỷ USD.
Điều này cho thấy Alphabet đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên mảng công nghệ, Internet và nhiều khó khăn từ vấn đề cổ phiếu.
Trong những năm qua, Google đã cố gắng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình, không chỉ dừng lại ở mảng quảng cáo, ví dụ như lấn sân sang điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa nhằm nhò gì khi doanh thu quảng cáo vẫn chiếm tới 70% tổng doanh thu của Alphabet.
Vậy tại sao mảng quảng cáo lại là vấn đề lớn đối với cổ phiếu của Google?
Quảng cáo là thành phần có thể thay đổi trong nền kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp, khi vấp phải suy thoái kinh tế, việc đầu tiên thường làm là cắt giảm quảng cáo vì đây là việc đơn giản, dễ làm nhất.
Ấy vậy mà về mảng quảng cáo, Google vẫn làm mất một phần thị phần trong năm ngoái vào tay những “ông lớn” khác như Snap Inc., Pinterest và Instagram từ Facebook Inc., theo báo cáo của eMarketer. Điều này lý giải tại sao Alphabet lại có bước đi thụt lùi so với “người khổng lồ” Amazon./.