Amazon đính chính `chỉ có khoảng vài nghìn` chứ không phải 100.000 nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon

16:34 | 17/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 17/12, Amazon Global Selling Việt Nam phát đi thông tin cho biết, hiện "chỉ có khoảng vài nghìn nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon". Con số này nhỏ hơn đáng kể so với con số 100.000 nhà bán hàng đã được công bố.
Trước đó, trong hội thảo trực tuyến "Thương mại Điện tử 2020" do Amazon Global Selling tổ chức ngày 8/12, ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam có chia sẻ rằng, cộng đồng nhà bán hàng Amazon tại Việt Nam đang có hơn 100.000 thành viên.
 
Tuy nhiên, nói về nội dung này, công ty cho biết "do sai sót từ phía phiên dịch viên" trong phần chia sẻ của ông Gijae Seong nên đã khiến thông tin này "có phần không chính xác và gây hiểu lầm".
 
Cụ thể, công ty cho biết, nguyên văn của ông Gijae Seong là "ước tính rằng các cộng đồng bán hàng Amazon tại Việt Nam trên Facebook có hơn 100.000 thành viên". Do phần phiên dịch đã lược thông tin "trên Facebook" nên tạo ra sự cố.
 
Amazon đính chính `chỉ có khoảng vài nghìn` chứ không phải 100.000 nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon - ảnh 1
Doanh số trên Amazon của hàng Việt Nam năm 2020 là hơn 1 triệu USD
 
Thực tế, 100.000 thành viên mà ông Gijae Seong đề cập chính là tổng số tài khoản người dùng Facebook tham gia vào các mạng cộng đồng chính thức chuyên hỗ trợ, huấn luyện, tư vấn của Amazon Global Selling Việt Nam. Trong đó, riêng trang fanpage chính thức của công ty hiện có hơn 30.000 người theo dõi.
 
Amazon Global Selling Việt Nam chỉ vừa hoạt động chính thức tại Việt Nam vào tháng 10/2019, với văn phòng chính tại TP HCM. Hôm 8/12, công ty ra mắt thêm Trung tâm Thông Tin bán hàng Amazon (trực tuyến) bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng như thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội.
 
Với số lượng vài nghìn người bán hàng Việt Nam này chỉ mới ghi nhận doanh số trên Amazon năm 2020 hơn một triệu USD.
 
Như vậy, dù là một kênh xuất khẩu tiềm năng với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia nhưng doanh số kiếm được từ kênh này hiện còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với con số 202,86 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020, theo công bố của Tổng cục Hải quan.
 
Có nhiều lý do góp phần giải thích cho có số còn khiêm tốn này. Đầu tiên, phần lớn các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon hiện thuộc nhóm siêu nhỏ, nhỏ. Họ chủ yếu bán các sản phẩm tiêu dùng, gia dụng, quần áo, thủ công mỹ nghệ... Một vài tên tuổi lớn như Trung Nguyên, Biti’s...chỉ mới bắt đầu làm quen nền tảng này trong những tháng gần đây.
 
Thứ hai, với đặc thù bán đến người dùng cuối, nhỏ lẻ nên tổng doanh số còn khó so sánh được với bán sỉ qua kênh xuất khẩu truyền thống, tương tự như tổng doanh số của thương mại điện tử nội địa vẫn còn khá bé so với tổng doanh số ngành bán lẻ.
 
Thứ ba, giá bán sản phẩm của các nhà bán hàng Việt Nam cũng không chênh lệch quá nhiều với giá bán nội địa. Và ngoài ra, Amazon Global Selling cũng chỉ mới vừa thiết lập sự hiện diện chính thức tại Việt Nam để đầu tư nghiêm túc cho thị trường này từ tháng 10/2019.
 
Dù vậy, so với năm 2019 thì doanh số cũng đã tăng gấp 3 lần, và được Amazon đánh giá là ngày càng có nhiều người bán hàng Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế thông qua nền tảng này và "đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận".
 
Amazon đính chính `chỉ có khoảng vài nghìn` chứ không phải 100.000 nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon - ảnh 2
Giá bán sản phẩm của các nhà bán hàng Việt Nam cũng không chênh lệch quá nhiều với giá bán nội địa
 
Theo Báo cáo, tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang trên đà phát triển các năm gần đây. Đặc biệt, năm 2020, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - từ cách thức mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái "Bình thường mới".
 
"Chúng tôi nhận thấy rất nhiều sản phẩm 'Made inVietnam' trên các cửa hàng của Amazon toàn cầu đang được đông đảo khách hàng quốc tế ưa chuộng, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh", ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung bán trên Amazon Mỹ mà còn từng bước tiến sang các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Canada, Australia và Singapore...Một số startup cho rằng họ thu được thành quả đáng kể.
 
"Từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với chỉ 4 nhân viên, doanh nghiệp chúng tôi đã phát triển mạnh mẽ và hiện giờ đang vận hành tại một xưởng sản xuất rộng 300 mét vuông với 35 nhân viên", bà Chiêu Hân Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Andre Gift Shop cho biết.
 
Hay như Mary Craft, từ một xưởng sản xuất ban đầu, đã mở rộng thêm 3 công xưởng, tạo việc làm cho khoảng 100 nhân công, theo tuyên bố của nhà sáng lập Mary Nguyen.
 
Theo VnExpress