Ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung: ngành đường sắt sụt giảm 27 tỷ

14:41 | 23/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết doanh nghiệp chịu thiệt hại do giảm doanh thu và chi phí phát sinh 26,9 tỷ đồng do ảnh hưởng mưa lũ miền Trung kéo dài
Theo đó, báo cáo gửi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 21/10, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết doanh nghiệp chịu thiệt hại do giảm doanh thu và chi phí phát sinh 26,9 tỷ đồng. Trong đó, vận tải hành khách thiệt hại khoảng 16,2 tỷ đồng do sụt giảm doanh thu và chi phí phát sinh; vận tải hàng hóa thiệt hại khoảng 10,7 tỷ đồng.
 
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, các đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 7/10 đến nay đã khiến hơn 30 điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam bị xói trôi nền đá, một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt đã bị hư hỏng, có những vị trí phải phong tỏa dừng tàu để khắc phục hậu quả và thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng, sạt lở taluy, mố cầu, đất đá trên núi tràn xuống đường ray, nhiều điểm nước dâng cao ngập trên đỉnh ray đến 80 cm.
 
Ngành đường sắt đã phong tỏa khu gian có các điểm bị hư hỏng, trở ngại để khắc phục, giải phóng trở ngại hoặc chờ nước rút để kiểm tra, sửa chữa và trả đường tốc độ chậm 5km/h. Sau đó, tiếp tục sửa chữa để nâng dần tốc độ, trả về tốc độ khu gian theo quy định ban đầu.
 
Mưa lũ miền Trung đã gây mất điện lưới, phải chạy máy phát điện để điều hành sản xuất tại 15 ga. Các đường ngang thuộc địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình do bị mất điện lưới các đường ngang, phải thay ắc quy và nạp bổ sung đảm bảo an toàn chạy tàu và luân phiên sử dụng.
 
Ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung: ngành đường sắt sụt giảm 27 tỷ - ảnh 1

Mưa lũ kéo dài ở miền Trung từ đầu tháng 10 đã gây thiệt hại 27 tỷ cho ngành đường sắt 
 
Mưa bão đã gây ngập cung đường Huế - Đông Hà và đoạn Đông Hà đến Đồng Hới, khiến gián đoạn vận tải đường sắt Bắc - Nam trong nhiều ngày. Tàu ngừng chạy khiến Tổng công ty Đường sắt đã giảm doanh thu vận tải và phát sinh chi phí khoảng 26,9 tỷ đồng.
 
Trong đó, vận tải hành khách thiệt hại 16,2 tỷ đồng. Số chuyến tàu khách ngừng chạy và phải rút ngắn hành trình, chuyển tải hành khách 72 chuyến, doanh thu giảm khoảng 9,6 tỉ đồng; chi phí phát sinh do chuyển tải, suất ăn miễn phí cho hành khách và chi phí phát sinh khác do tàu nằm chờ đường hơn 4 tỉ đồng; số vé trả lại 12.158 vé; tiền vé trả lại 6,2 tỉ đồng. Số chuyến tàu hàng ngừng chạy 63 chuyến, doanh thu giảm khoảng 10,1 tỉ đồng; chi phí phát sinh do chuyển tải hơn 0,6 tỉ đồng.
 
Vận tải hàng hóa, tổng thiệt hại khoảng 10,7 tỉ đồng, gồm doanh thu giảm khoảng 10 tỉ do ngừng chạy 63 chuyến tàu hàng, chi phí phát sinh do chuyển tải hơn 600 triệu đồng.
 
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nan, trong giai đoạn xảy ra mưa bão, các đơn vị đã khẩn trương khắc phục tạm những vị trí kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng để đảm bảo thông đường, thông tin liên lạc được thông suốt, giảm thời gian gián đoạn chạy tàu và giảm tốc độ chạy tàu đồng thời đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tổ chức thi công.
 
Hiện tại, các đơn vị trong khu vực đang tiếp tục điều tra các vị trí kết cấu hạ tầng bị hư hỏng đồng thời khẩn trương xây dựng phương án và tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất. Cũng theo ông Vũ Anh Minh, mặc dù biểu đồ chạy tàu bị ảnh hưởng nhiều nhưng Trung tâm điều hành vận tải đường sắt đã chủ động theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa khu gian và kịp thời tổ chức chạy tàu khi thông đường. Các Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đã tổ chức chuyển tải cho hành khách, hàng hóa đảm bảo an toàn mọi mặt.
 
Năm 2020 đường sắt Việt Nam lao đao vì dịch COVID-19. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) dự kiến năm 2020 bị lỗ trên 1.200 tỷ đồng. Hiện tại trung bình một tháng, Công ty Mẹ VNR bị hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng. Dự tính tổng thâm hụt dòng tiền của ĐSVN cả năm sẽ vào 2020 khoảng 1.000 tỉ đồng. Tổng kinh phí đầu tư đầu tư mới năm 2020 là 6,3 tỉ đồng gồm 20 dự án giảm hơn 53,3 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu.
 
Trước đó Tổng công ty Đường sắt đang dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho VNR đối với 3 nội dung: Miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; Miễn trích nộp ngân sách Nhà nước 20% tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020; Đánh giá, xem xét việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
 
Xem Thêm: