Ant Group thống nhất về kế hoạch tái cơ cấu ngay sau khi bước qua 'cửa tử'
Ant Group và các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã đi đến thống nhất về kế hoạch tái cơ cấu. Thông báo chính thức có thể được đưa ra trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tái cấu trúc
Theo Bloomberg, Ant Group và các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã đi đến thống nhất về kế hoạch tái cơ cấu. Theo đó, Ant sẽ trở thành một công ty tài chính nắm giữ cổ phần (holding company) và phải tuân thủ các yêu cầu về vốn tương tự như các ngân hàng.
Nguồn tin thân cận tiết lộ, kế hoạch này yêu cầu mọi hoạt động kinh doanh của Ant phải được đưa về công ty mẹ, bao gồm dịch vụ công nghệ trong các lĩnh vực như blockchain và giao đồ ăn. Một trong những đề xuất ban đầu của công ty này với các cơ quan quản lý là chỉ đưa mảng tài chính vào cấu trúc mới.
Tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo đã yêu cầu hãng thanh toán Ant Group, một nhánh của Alibaba, điều chỉnh lại hoạt động cho vay và một số mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng của hãng. Đây được xem là cú sốc lớn đối với tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập và cổ đông kiểm soát của hãng.
PBOC ngày 21/1 cho biết bất kỳ công ty thanh toán phi ngân hàng nào chiếm 1/2 thị phần thanh toán trực tuyến hoặc hai thực thể có tổng thị phần trên 2/3 đều có thể bị điều tra chống độc quyền.
Ant Group tái cấu trúc để tồn tại
Ngân hàng trung ương có thể đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế đối với những công ty được xác định là đang giữ vị thế độc quyền, bao gồm việc bắt buộc chia tách. Những doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ thanh toán sẽ có một năm để tuân thủ các quy định mới.
Ant Financial là một hệ sinh thái các công ty công nghệ tài chính Fintech, trong đó có Alipay đã có đủ chức năng chính của ngân hàng là thanh toán, huy động tiền gửi và cho vay. Tính riêng 3 năm qua, lượng người dùng Alipay toàn cầu đã tăng trưởng 260%, đạt 1,2 tỷ người dùng.
Tốc độ tăng trưởng tương lai của công ty được cho là sẽ bị hạn chế do các cơ quan chức năng đã ban hành một loạt đề xuất đe dọa sẽ hạn chế sự thống trị của Ant trong mảng thanh toán trực tuyến và thu hẹp quy mô cho vay tiêu dùng và quản lý tài sản.
Trước đó, Trung Quốc đột ngột chặn đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng đầu tiên (IPO) của Ant Group. Đợt IPO này được dự đoán sẽ thu về 37 tỷ USD khi ra sàn tại Thượng Hải và Hong Kong.
Ngoài ra, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng gắt gao của chính phủ, trở thành mục tiêu của cuộc điều tra chống độc quyền vào tháng 12.
Mạnh tay chống độc quyền
Việc tái cơ cấu của Ant là một phần trong chiến dịch quy mô rộng của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường giám sát các lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Trung Quốc đang soạn thảo 17 tiêu chuẩn pháp lý dành riêng cho các hạng mục Fintech như trí tuệ nhân tạo, blockchain hay dịch vụ đám mây, nhấn mạnh vào việc siết chặt an ninh dữ liệu người dùng vốn vẫn gần như thả nổi.
Trung Quốc “mạnh tay” chống độc quyền trong thanh toán phi ngân hàng
Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức thanh toán phi ngân hàng như Alipay và WeChat Pay phải đặt tiền ký quỹ vào tài khoản ngân hàng từ đầu năm 2019, siết chặt đáng kể các fintech này. Như Ant Financial, với quy định đó, dự báo các dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ giảm 1/3 lợi nhuận trong năm tới.
Trung Quốc có 233 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp giải pháp thanh toán phi ngân hàng, nhưng theo báo cáo của công ty tư vấn iResearch, thống trị về giao dịch trực tuyến hiện nay chỉ có hai doanh nghiệp là Alipay và WeChat Pay.
Theo dự báo của Accenture, tới năm 2025, nếu các ngân hàng truyền thống tại Trung Quốc không chịu cải thiện công nghệ, họ có thể mất tới 13% doanh thu rơi vào tay các ứng dụng fintech thanh toán như Alipay hay WeChat Pay.
Trong tháng 12/2020, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc kêu gọi tăng cường các nỗ lực chống độc quyền và ngăn chặn việc tăng vốn một cách thiếu kiểm soát, đề xuất các yêu cầu về quản lý tài chính trong các lĩnh vực liên quan.
Các cơ quan quản lý tài chính sẽ thực thi các yêu cầu này, giám sát các tổ chức trong lĩnh vực tài chính theo các quy định và luật lệ, nghiêm túc điều tra và phạt những trường hợp vi phạm, hạn chế tình trạng tăng vốn một cách thiếu kiểm soát và bảo đảm cạnh tranh công bằng và trật tự của thị trường tài chính.
Theo Global Times, Cơ quan Giám sát thị trường Trung Quốc (SAMR) đã tiến hành một cuộc điều tra "chống độc quyền" đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba do tỷ phú Jack Ma sáng lập, được đánh giá là động thái nhằm chấn chỉnh trật tự thị trường và tạo điều kiện tự do, công bằng và môi trường kinh doanh không phân biệt đối xử.
Còn theo Reuters, các ngân hàng nhỏ hơn nhìn chung bị yếu thế khi hợp tác cùng các hãng fintech lớn như Ant. Họ phụ thuộc phần lớn vào dữ liệu của Ant để bảo lãnh các khoản vay và quản lý rủi ro. Khi vỡ nợ xảy ra, họ phải choàng gánh khoản lỗ. Điều quan trọng đối với các bên cho vay là có tiếp cận tốt hơn đối với nguồn dữ liệu tín dụng toàn diện và chi tiết của người vay.
Liu Xu, một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia, cho biết: "Ngành tài chính ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ thông tin, dẫn đến việc tăng cường các nỗ lực chống độc quyền trong lĩnh vực này ngày càng cấp bách".
Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng cũng phải tuân thủ các yêu cầu về chống rửa tiền và chống khủng bố của PBOC. Nếu những điều này bị vi phạm nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương có thể thu hồi giấy phép của doanh nghiệp theo các quy định mới.
Theo VietNamNet