Áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón

09:43 | 05/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc tăng 5% thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu, có lợi cho sản xuất nông nghiệp
Chuyên gia của Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định việc tăng 5% thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu, có lợi cho sản xuất nông nghiệp.
 
Áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón - ảnh 1
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2.928.000 tấn phân bón trị giá 722 triệu USD. Trong đó tháng 9 nhập khẩu 300.000 tấn với kim ngạch nhập khẩu 73 triệu USD, tăng hơn 18% về lượng và 12% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Còn năm 2019 nông dân Việt Nam phải sử dụng 3.722.000 tấn phân bón nhập khẩu trị giá 1.019 triệu USD.
 
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính cho thấy việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% sẽ có nhiều tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, đặc biệt, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nước và giá phân bón sẽ giảm.
 
Cũng theo Bộ Tài chính việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% khi áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại, khuyến khích các doanh nghiệp phân bón đầu tư dây chuyền mới sản xuất phân bón có chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
 
Theo tính toán chi tiết của các chuyên gia của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu tăng thuế GTGT 5%, sẽ giúp giá phân bón tới tay nông dân không những không bị ảnh hưởng tiêu cực gì, còn có những tác động tích cực và toàn diện trên nhiều khía cạnh. 
 
Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng này, người nông dân sẽ được hưởng lợi, có thể lựa chọn nhiều mặt hàng phân bón hơn, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước. 
 
Nếu được Quốc hội thông qua, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, kể từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.
 
Tuy nhiên, cần có các quy định, nguyên tắc để các doanh nghiệp sản xuất phân bón không tăng giá bán phân bón trên thị trường thông qua các giải pháp như: Tăng cường quản trị, rà soát tiết giảm chi phí để giảm giá thành, hạ giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi ích với người nông dân trên cơ sở các bên cùng có lợi.
 
Khánh Linh