Bài 1: Mảnh đất đã được ươm mầm

18:20 | 19/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -  Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang vươn ra thế giới, khai mở những thị trường mới, khẳng định trình độ, bản lĩnh và tài năng của doanh nhânViệt Nam. Nhằm giúp bạn đọc có thêm nguồn thông tin hữu ích, tìm cơ hội kinh doanh thành công, Doanh nhân Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài rút tỉa từ nghiên cứu của TS. Đinh Công Hoàng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về triển vọng hợp tác thương mại- kinh tế Việt Nam-Israel (Doanh nhân Việt có lược giản và đặt lại tiêu đề với mong muốn giúp bạn đọc dễ theo dõi hơn).

Bài 1: Mảnh đất đã được ươm mầm - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Reuven R.Rivlin năm 2017. Nguồn:news.zing.vn
Israel là quốc gia có diện tích không lớn, dân số không đông, lãnh thổ quốc gia phần lớn là sa mạc với rất ít tài nguyên, nhưng Israel lại được biết đến là quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, là quốc gia khởi nghiệp, nơi có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thành công bậc nhất thế giới. Thủ đô Tel Aviv của Israel cũng là nơi hàng chục công ty công nghệ lớn nhất thế giới đặt bộ phận nghiên cứu phát triển của mình. Thành công của Israel là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang học hỏi noi theo.         

Sức hấp dẫn từ hai phía

Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 7 năm 1993, đến tháng 12 năm 1993, Israel chính thức mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và Israel liên tục có sự phát triển vượt bậc, cả về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Năm 2009, Việt Nam đã chính thức mở Đại sứ quán tại Tel Aviv, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Trải qua nhiều trở ngại mang tính lịch sử, ngày nay Israel đã là một quốc gia phát triển ở khu vực Trung Đông và đang dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực công nghệ cao. Kinh tế Israel đã duy trì được đà phát triển ổn định với mức tăng trưởng bình quân 3,45%/năm trong 10 năm 2008-2018, quy mô kinh tế năm 2018 đạt xấp xỉ 370 tỷ, xếp thứ 34 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt 43.430 USD/người/năm. Israel chủ trương duy trì nền kinh tế thị trường tự do, coi hoạt động ngoại thương là động lực phát triển và là cốt lõi của nền kinh tế. Israel cũng là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 44 trên thế giới với quy mô nhập khẩu đạt 76,6 tỷ USD vào năm 2018 và mức tăng trưởng nhập khẩu trung bình 10 năm 2008-2018 đạt 6,1%/năm.

Giữa Việt Nam và Israel có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương. Lợi thế trong hợp tác kinh tế song phương là hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.

Trong khi Israel có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, quang học, thiết bị công nghiệp, thiết bị hàng không, quốc phòng và có nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng, thì Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu trong các ngành dệt may, da giày, điện, điện tử gia dụng và có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị công nghiệp và thiết bị công nghệ cao và tiếp cận với công nghệ tiên tiến.

 Kinh tế Israel liên kết chặt chẽ với những quốc gia và khu vực phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghệ cao hàng đầu như: lập trình phần mềm, dược phẩm, mạch tích hợp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp quốc phòng.

 Việt Nam hợp tác với Israel sẽ cho phép nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất trong nhiều lĩnh vực, đồng thời cho phép gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những ngành có thế mạnh.

 Israel hợp tác với Việt Nam có thể tận dụng được nguồn cung hàng hóa và lao động có chi phí cạnh tranh, đồng thời thông qua Việt Nam thâm nhập vào thị trường rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Vì vậy, việc hai nước ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương thế hệ mới hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích to lớn và mở ra những cánh cửa phát triển mới cho cả hai bên.

Hợp tác thương mại đã có đà

Nếu như năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel mới chỉ đạt khoảng 68 triệu USD thì đến năm 2017, con số này đã là trên 1 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 712,2 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 346,1 triệu USD.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Israel gồm: điện thoại di động, thiết bị linh kiện điện tử, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, hàng thủy sản, thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ gỗ, cao su… Trong đó, chủng loại hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Israel là máy, thiết bị điện, điện tử với khoảng 430 triệu USD vào năm 2017, tiếp theo là các mặt hàng thực phẩm, cà phê, hạt gia vị với gần 48 triệu USD, đứng thứ ba là mặt hàng giày dép với khoảng 43 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nhìn chung có xu hướng tăng. Trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Israel, các sản phẩm điện, điện tử thường xuyên chiếm trên 55% tổng kim ngạch, với dòng hàng hóa này, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Với dòng hàng hóa nông sản như trái cây, cà phê, đồ nội thất, sản phẩm nhựa, doanh nghiệp Việt Nam là những nhà xuất khẩu chính.

Thị trường Israel có dấu hiệu chấp nhận và tiêu thụ tốt sản phẩm trái cây hoa quả và hạt từ Việt Nam, tương tự với mặt hàng da giày. Mặc dù nằm trong top những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị xuất khẩu nhóm hàng may mặc sang thị trường Israel còn rất nhỏ so với tiềm năng cũng như năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Theo chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Israel các mặt hàng như: phân bón, chế phẩm hỗ trợ nông nghiệp, máy tính và các thiết bị điện tử, thiết bị công nghiệp, sản phẩm hóa chất, thiết bị quang học và sản phẩm chính xác, thiết bị cầm tay, dược phẩm… Kim ngạch nhập khẩu từ Israel đã tăng từ 124,9 triệu USD năm 2010 lên mức 1,16 tỷ USD vào năm 2015, năm 2017 kim ngạch nhập khẩu đạt 346,15 triệu USD.

 Dòng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Israel là thiết bị điện tử với kim ngạch lớn nhất vào năm 2016 với khoảng 525 triệu USD, sang năm 2017 dòng hàng này vẫn dẫn đầu nhưng kim ngạch còn 231 triệu USD; dòng hàng hóa có kim ngạch lớn tiếp theo là phân bón với khoảng 38 triệu USD, tiếp theo là máy, thiết bị cơ khí với khoảng 19 triệu USD, thiết bị quang học, thiết bị điện, điện tử khoảng 15 triệu USD.

Tiếp theo là nhựa và chất dẻo, hóa chất, thiết bị dụng cụ cầm tay, chế phẩm nông nghiệp, dược phẩm, hóa chất hữu cơ.

Bảng 1: 10 nhóm hàng hóa Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Israel
Bài 1: Mảnh đất đã được ươm mầm - ảnh 2
Nguồn: Intracen, 2018 
Việt Nam và Israel đều có năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như sản xuất thiết bị điện tử, phần mềm, nông nghiệp, hàng tiêu dùng, tuy nhiên hai bên vẫn có bổ sung nhu cầu cho nhau trong các ngành hàng này do nhu cầu từ thị trường ngách của hai bên.

Về phía Việt Nam, các chủng loại hàng điện tử phần lớn do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Israel. Thực tế kim ngạch thương mại 2 chiều các sản phẩm thuộc các ngành hàng này đã có xu hướng ngày càng tăng lên trong nhiều năm gân đây.

Bảng 2: 10 loại hàng hóa Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ Israel

Bài 1: Mảnh đất đã được ươm mầm - ảnh 3
Nguồn: Intracen, 2018 
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2019, Israel có 29 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 78,89 triệu USD, đứng thứ 50 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các công ty Israel đầu tư vào Việt Nam trong các ngành bất động sản, sản xuất cà phê, may mặc, điện tử, linh kiện thông tin, cung cấp giải pháp trong trồng trọt và chăn nuôi.

Công nghệ nông nghiệp của Israel xuất hiện trong nhiều dự án đầu tư của Việt Nam, tiêu biểu như: dự án hợp tác trồng rau sạch trong nhà kính tại Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Củ Chi và nhiều tỉnh khác của Công ty VinEco thuộc tập đoàn Vingroup, sử dụng với công nghệ Israel (công nghệ nhà kính, công nghệ sản xuất rau mầm...); dự án TH True Milk trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn tại Nghĩa Đàn - Nghệ An, các tỉnh Cần Thơ, An Giang áp dụng công nghệ Israel về sản xuất cá rô phi đơn tính và giống tôm càng xanh toàn đực…

Cơ chế hợp tác thương mại đã có

Bài 1: Mảnh đất đã được ươm mầm - ảnh 4
Nguồn: Internet. 
Việt Nam và Israel đã ký kết nhiều văn bản, hiệp định, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác như: Hiệp định về hợp tác kinh tế và thương mại (năm 2004), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản (năm 2009). Các cơ sở pháp lý là nền tảng cho thương mại và đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (gọi tắt là FTA Việt Nam - Israel) đã bắt đầu với phiên đàm phán đầu tiên vào ngày 28/3/2016 tại Hà Nội. Tại phiên khai mạc, lãnh đạo hai bên đã nhất trí sẽ đàm phán một Hiệp định thương mại tự do song phương phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai quốc gia. Phạm vi của Hiệp định bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, lao động, sở hữu trí tuệ.

Tháng 6/2018, phiên đàm phán lần thứ 5 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel đã được tổ chức tại thành phố Jerusalem. Tại phiên đàm phán thứ 5, hai bên đã trao đổi, thảo luận về các nội dung gồm: thương mại hàng hoá, quy tắc xuất xứ, hải quan, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, và các vấn đề pháp lý và thể chế.

Trải qua 5 phiên đàm phán, phái đoàn đàm phán của Việt Nam đã cử đại diện của đầy đủ các Bộ, ngành tham dự gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Israel.

Tính đến cuối năm 2019, FTA Việt Nam – Israel đã trải qua phiên đàm phán thứ 7 với nội dung trải dài từ thương mại hàng hoá, quy tắc xuất xứ, hải quan, thuế quan, thương mại dịch vụ đến bảo hộ đầu tư, hợp tác lao động.

Đến nay, hai bên đã đạt được thỏa thuận về mức thuế quan đối với phần lớn số dòng thuế quan trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, đang tiếp tục đàm phán đối với một số nhóm hàng hóa mà hai bên xem là nhạy cảm và thuộc diện mỗi bên có mong muốn bảo hộ, trong đó có nhóm hàng hóa nông nghiệp.

Những lợi thế đang chờ khai phá

Việt Nam có quy mô thị trường nội địa lớn trong tương quan với Israel. Việt Nam là quốc gia nằm giữa khu vực Đông Nam Á, nơi có 663,9 triệu người sinh sống , Việt Nam cũng tiếp giáp với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc với dân số tương ứng của mỗi tỉnh là 51 triệu người và 48,7 triệu người, là hai tỉnh tương đối đông dân của Trung Quốc. Như vậy, quy mô các thị trường gần của Việt Nam đã lên tới xấp xỉ 750 triệu người. Ở phạm vi rộng hơn, Việt Nam cũng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với khu vực Đông Bắc Á nơi có các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Viễn Đông nước Nga với tổng quy mô dân số trên 1,67 tỷ người (số liệu năm 2019) . Ngay thị trường trong nước của Việt Nam đã có quy mô 95 triệu người cũng là một thị trường tương đối lớn. Trong khi đó, để so sánh, quy mô dân số Israel chỉ có 8,41 triệu người, diện tích 22.072 km2 (xấp xỉ tổng diện tích của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cộng lại), khu vực thị trường lớn nhất của Israel là Châu Âu với khoảng 500 triệu người. Như vậy, khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng là một lợi thế hấp dẫn của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Israel. 

Việt Nam có quy mô lao động lớn, tuổi lao động trẻ, mức lương của lao động còn tương đối thấp so với khu vực và so với Israel. Trong thời kì cơ cấu dân số vàng, Việt Nam có lực lượng lao động 55,5 triệu người vào năm 2018, hàng năm được bổ sung thêm khoảng 0,9-1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, trong khi đó, quy mô lao động của Israel có 5,1 triệu người. Như vậy, quy mô lực lượng lao động Việt Nam lớn gấp khoảng 10 lần so với Israel. Lao động Việt Nam cũng có tiềm năng trong các lĩnh vực công nghệ, quy mô nhân lực có kỹ năng đang không ngừng tăng, có thể đáp ứng nhu cầu trong các ngành công nghệ cao như lập trình phần mềm, thiết kế mạch, chế tạo máy. So sánh mức lương trung bình của lao động Israel là 3.093 USD/tháng và mức lương trung bình của lao động Việt Nam là 248,4 USD/tháng, mức lương trung bình của Israel hiện cao gấp 12,4 lần lao động Việt Nam. Lao động chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) và các ngành công nghiệp chế tạo tại Việt Nam cũng có mức lương thấp hơn nhiều so với tại Israel. Như vậy, Việt Nam có tiềm năng hỗ trợ Israel bổ sung những thiếu hụt về nguồn nhân lực. Nếu hai bên có thể khớp nối tốt về vấn đề nhân lực thì triển vọng hợp tác lao động là rất lớn, trong đó Việt Nam có thể bù đắp thiếu hụt lao động của Israel trong các ngành phần mềm, công nghệ cao, nông nghiệp, lao động trình độ thấp và trung bình trong các nhà máy.

Về công nghiệp, số ngành công nghiệp của Việt Nam tương đối đa dạng, trong đó Việt Nam có lợi thế đối với một số ngành công nghiệp mà Israel khó có điều kiện để tự phát triển trên lãnh thổ quốc gia ở quy mô lớn như: sản xuất nông sản xuất khẩu (rau, củ, quả…), công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản nước ngọt và hải sản, dầu khí, sản xuất thép, may mặc, da giày, điện tử... Do có đặc điểm lãnh thổ nhỏ, quy mô lực lượng lao động không lớn, trong khi phải đối mặt với nhiều rủi ro về chính trị nên Israel có xu hướng tập trung vào các ngành kinh tế mang lại giá trị cao như dược phẩm, công nghiệp điện, điện tử, trang sức, công nghiệp quốc phòng, phần mềm, công nghiệp hàng không vũ trụ. Khả năng Israel phát triển mạnh các ngành công nghiệp có đặc điểm thâm dụng lao động như dệt may, da giày là rất thấp. Như vậy, trong hợp tác với Israel, Việt Nam có ưu thế xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật trung bình, mặt hàng dân dụng sang Israel. Thực tế xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước cũng cho thấy hàng dệt may, da giày Việt Nam xuất khẩu sang Israel có xu hướng tăng trưởng ổn định trong suốt 10 năm qua, dù tổng kim ngạch chưa lớn nhưng là mặt hàng mà Việt Nam rất có thế mạnh (xem Bảng 2).

Về nông nghiệp, Việt Nam có nền nông nghiệp tương đối đa dạng, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương đối thuận lợi, có thể cung cấp một số chủng loại rau quả mà Israel có ít lợi thế. Thực tế cũng cho thấy rau quả, hạt, cà phê là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 2 trong số các mặt hàng mà Israel nhập khẩu từ Việt Nam. Xét về tiềm năng sản xuất nông sản để xuất khẩu, nhà đầu tư Israel với ưu thế sở hữu trình độ công nghệ cao có thể lựa chọn đầu tư tại Việt Nam để sản xuất nông sản và xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển (Châu Á, Châu Âu, Hoa Kỳ…) hoặc tiêu thụ nội địa Việt Nam...

               TS.Đinh Công Hoàng
Đón đọc bài 2: Tiềm năng và triển vọng: Cơ hội vàng đang đến