Bài 5: Viettel thu được những gì sau 15 năm "mang chuông đi đánh xứ người"?
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) và đơn vị thành viên là Viettel Global được biết đến là một trong những doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong việc mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm các thị trường nước ngoài tiềm năng để kinh doanh.
Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao
Đặt chân lần đầu tại thị trường Campuchia, đến nay Viettel Global đã có mặt tại nhiều nước khác nhau như: Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru cùng nhiều 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga.
Những thành tựu đầu tiên mà doanh nghiệp viễn thông đầu ngành của Việt Nam được quốc tế công nhận là vào năm 2019, Viettel đã trở thành doanh nghiệp thuộc Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD - thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới. Riêng Viettel Global - đơn vị phụ trách lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel - đang có giá trị gần 2,4 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, để xác định được doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả hay không chắc chắn phải nhìn vào báo cáo tài chính nhằm có đánh giá chính xác nhất. Viettel Global đã ghi nhận một loạt những điểm sáng tích cực trong năm 2020.
Viettel Global và các thương hiệu tại nước ngoài. Nguồn ảnh: Brands Vietnam
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, doanh nghiệp cho biết dù ngành viễn thông toàn cầu suy giảm 1,1% do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu thì kết quả kinh doanh vẫn vô cùng ấn tượng. Đặc biệt, năm vừa qua ghi nhận kết quả kinh doanh hiệu quả nhất từ khi triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt mức 22.246 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế cao nhất từ khi kinh doanh đến nay, đạt 1.200 tỷ đồng.
Tổng công ty cũng thông báo dòng tiền về Việt Nam năm 2020 cũng đạt đỉnh kể từ khi thành lập với hơn 7.735 tỷ đồng (tương đương 332,8 triệu USD), hoàn thành 123% kế hoạch, tăng 28% so với năm 2019. Lũy kế đến hết năm 2020 Viettel Global đã thu hồi 50.186 tỉ đồng (2.182 triệu USD).
Ban lãnh đạo Viettel Global giải thích hiệu quả hoạt động kinh doanh Viettel Global được cải thiện tốt nhờ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là viễn thông, giảm tải việc mua bán thiết bị có tỷ suất lợi nhuận thấp. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 37,3% (cao hơn mức 35,7% của năm 2019 và 31,4% của năm 2018).
Các thị trường đều ghi nhận sự tăng trưởng. Tại Châu Á, 3/4 thị trường tiếp tục củng cố thị phần số 1 (Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Telemor tại Timor-Leste), Mytel tại Myanmar vươn mạnh lên vị trí thứ 2 chỉ sau hơn 2 năm bước chân vào nước này với thị phần 30,8%. Metfone áp đảo tại Campuchia khi duy trì vị thế dẫn đầu với 41,8% thị phần. Unitel vẫn giữ vững thị phần về thuê bao với 57% và cũng là nhà mạng đầu tiên được cấp phép Ví điện tử chính thức tại Lào. Telemor tại Đông Timor thuê bao data tăng mạnh vượt chỉ tiêu, mở rộng phủ sóng dung lượng 4G nâng mật độ phủ dân toàn quốc từ 55% lên 65%.
Châu Phi cũng chứng kiến kết quả khả quan, Halotel tại Tanzania tuy là thị trường cũ nhưng không đánh mất phong độ khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất lên đến 27%. Movitel tại Mozambique duy trì tăng trưởng doanh thu dịch vụ trên 20% trong 2 năm liên tiếp. Lumitel trở thành nhà cung cấp hệ sinh thái dịch vụ thanh toán số top 1 tại Burundi với 50% thuê bao di động là thuê bao ví.
Thị trường châu Mỹ liên tiếp đón nhận tin vui khi Natcom tại Haiti đạt mốc thuê bao cao nhất trong vòng 8 năm kinh doanh với 2,7 triệu thuê bao lũy kế, trong vòng 4 năm liên tục doanh thu dịch vụ tăng trưởng 2 con số.
"Cứu cánh" của người nghèo
Không chỉ ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực sau chặng đường hơn 15 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel còn góp phần khiến cuộc sống của người dân địa phương trở nên tốt đẹp hơn, điều này đã được ghi nhận bởi chính quyền những quốc gia và doanh nghiệp đặt chân tới.
Haiti vốn là một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa động đất năm 2010 thì sự tham gia của Natcom – mạng di động là liên doanh của Viettel, triển khai kinh doanh chỉ ba ngày sau thảm họa – giờ đây là quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực Caribean, kết nối viễn thông với hạ tầng 5.000km, tốc độ tăng trưởng thuê bao lên tới 15%.
Natcom xuất hiện đã mang lại nhiều điều tích cực cho Haiti: Giảm tới 20% giá cước viễn thông tại quốc gia này, đưa nhiều người dân tiếp cận gần hơn với viễn thông di động, tạo việc làm cho hơn 100.000 người. Bộ trưởng Kế hoạch Haiti Michel Presume cảm động nói: "Xin cảm ơn các bạn vì đã nỗ lực tái thiết Haiti".
Cựu Thủ tướng Xanana Gusmao của Đông Timor cũng từng đánh giá cao Viettel do dám tạo ra sự khác biệt và thay đổi nhanh chóng bộ mặt của đất nước. Sau một năm xây dựng, hạ tầng mạng lưới của Telemor đã có độ hầu khắp các huyện, xã. Nhiều cột điện, cáp quang viễn thông được triển khai cả ở những nơi điện lưới quốc gia chưa tới. Nhờ sự có mặt của tập đoàn mà viễn thông đã phổ cập tới người nghèo, khi mà nhiều năm trước,việc tiếp cận thông tin là rất khó khăn.
Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Việt Nam cũng không ngại đầu tư tới các quốc gia xa xôi như Mozambique, Tanzania và thử sức tại thị trường khó như Peru hay Myanmar. Thậm chí, Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) còn được mệnh danh là "điều kỳ diệu của châu Phi". Bởi Viettel Global bùng nổ một cuộc cách mạng về di động và giành tới 6 giải thưởng quốc tế. Trước khi Movitel xuất hiện, chỉ dân thành phố mới có thể sử dụng Internet và điện thoại di động với mức giá cước “người giàu”.
Một cửa hàng Halotel - thương hiệu bản địa của Viettel Global tại Tanzania
Thành công của Movitel đã khiến tập đoàn dường như được "trải thảm đỏ" khi đầu tư sang quốc gia mới. Ông Makame M.Mbarawa, Bộ trưởng Truyền thông, Khoa học và Công nghệ Tanzania từng mong muốn Viettel sẽ làm được những điều thần kỳ cho ngành viễn thông Tanzania tương tự như với Mozambique: "Tôi rất tự hào vì đã góp phần thúc đẩy để Viettel đầu tư kinh doanh vào đất nước chúng tôi. Tôi coi dự án của Viettel như con đẻ của mình, và sẽ luôn dõi theo, hỗ trợ để mang lại thành công tốt nhất cho hoạt động của các bạn".
Quả thật, Viettel đã không phụ lòng chính phủ và người dân quốc gia này khi thời gian ngắn đã đầu tư và triển khai mạng lưới hạ tầng viễn thông với 2.500 trạm phát sóng di động BTS và 18.000km cáp quang phủ sóng tới từng xã. Theo tính toán, đến thời điểm giữa năm 2017, số lượng thuê bao di động đã đạt khoảng 3,5 triệu thuê bao. Đỉnh cao là sang năm 2020 như đã đề cập ở trên, không hề đánh có dấu hiệu suy thoái, ngược lại còn giữ vững đà tăng trưởng.
Tổng kết hành trình hơn 15 năm đầu tư và gặt hái thành quả tại các quốc gia khác của Viettel có lẽ không gì bằng lời chia sẻ ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, Chủ tịch HĐQT Viettel Global với báo Nhân Dân: "Khi đến quốc gia nào đầu tư, Viettel đều không chỉ làm kinh doanh mà luôn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, mang những điều tốt đẹp, đóng góp cho đất nước mình đang hoạt động. Đó là chiến lược nhất quán, không thay đổi. Vì thế, ở Việt Nam, Viettel đã tiên phong kiến tạo xã hội số thì chúng tôi cũng làm điều tương tự ở các thị trường quốc tế".
H.S
Xem thêm: Viettel xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia như thế nào?