Bão Atsani diễn biến khó lường `bẻ hướng` vào Hoàng Sa, suy yếu và tan trên Biển Đông

10:31 | 07/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hồi 4h ngày 7-11, vị trí tâm bão Atsani ngay trên vùng biển phía Tây Nam đảo Đài Loan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 11.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 7.11, vị trí tâm bão Atsani ngay trên vùng biển phía tây nam đảo Đài Loan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.
 
Sóng biển hôm nay ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) là 2-3m. Khu vực Bắc Biển Đông cao từ 2-4m. Quần đảo Trường Sa (Việt Nam) từ 1-2m. Các nơi khác trong khu vực Biển Đông từ 1-2,5m.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 16 giờ ngày 7.11, vị trí tâm bão ở khoảng 22,3 độ vĩ bắc; 118,1 độ kinh đông, cách đảo Đài Loan khoảng 220 km về phía tây tây nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật trên cấp 11.
 
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 4h ngày 8-11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật trên cấp 10.
 
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 19,0 đến 23,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 115,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
 
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4h ngày 9-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
 
Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng gió giật cấp 7-8. 
 
Bão Atsani diễn biến khó lường `bẻ hướng` vào Hoàng Sa, suy yếu và tan trên Biển Đông - ảnh 1
 
Các chuyên gia cảnh báo, bão có thể gây gió mạnh kèm dông lốc, nguy hiểm cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển, người đi biển cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để phán đoán diễn biến thời tiết.
 
Khi nhận được tin bão thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí và cường độ hướng di chuyển của bão mà thuyền trưởng kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão. Các thuyền trưởng điều khiển tàu, thuyền nhanh chóng tránh bão, luôn luôn giữ cho phương tiện của mình ở xa tâm bão một khoảng cách an toàn tối thiểu từ 350-400 km (tương đương 200 hải lý).
 
Sau khi cơn bão Atsani suy yếu nhanh và tan trên biển, đến ngày 8/11, một áp thấp nhiệt đới hoặc bão tiếp tục đi vào Biển Đông. Hình thái này được dự báo ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong ngày 10-11/11.
 
Ngay sau đó, ngày 12-13/11, Biển Đông có thể xuất hiện một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tiếp tục hướng về đất liền nước ta.
 
Ảnh hưởng của các hình thái cực đoan liên tiếp, từ ngày 9/11 đến 12/11, ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở đô thị. Diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ còn phức tạp, có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới và bão. Người dân cần liên tục cập nhật các diễn biến mới về tình hình thiên tai, thời tiết trong những ngày tới.
 
Nguyễn Dung(t/h)