Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh?

15:00 | 10/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Được cấp phép là TPBVSK có chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên Shami Xoan lại đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh có thể khỏi chỉ sau một, hai tháng sử dụng...

Lời Tòa soạn

Hiện nay, Việt Nam đã có tương đối đầy đủ các quy định, chế tài quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), thực phẩm chức năng (TPCN).

Tuy nhiên, cũng là thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm TPBVSK, TPCN bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí thu hồi... do các vi phạm quy định về quảng cáo, an toàn thực phẩm, thậm chí là làm hàng giả, hàng nhái.

Dẫu vậy, vấn nạn này vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí là ngày càng lộ liễu, công khai hơn...

Đó chính là mục tiêu của Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, khi thực hiện chùm bài viết về các dấu hiệu sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK, TPCN.

Chúng tôi mong muốn được bạn đọc hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin về các sai phạm, không chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK, TPCN – những sản phẩm mà sự có mặt của chúng lẽ ra phải là bảo vệ, nâng cao sức khỏe người sử dụng, chứ không phải đẩy họ tới những rủi ro về sức khỏe, tài chính.

Trân trọng !

Kỳ 1: “Shami xoan là cứu tinh cho những ai bị xoang?”

Đó là chia sẻ của một nam ca sĩ tại website https://www.viensuishamixoanchinhhang.info/. Cụ thể là tại website này, nam ca sĩ D.V.H xuất hiện trong một clip dài hơn 6 phút liên tục nói Shamixoan là loại thuốc đặc biệt dành cho những người bị bệnh xoang: “cứ vào mùa mưa là H bị nhức đầu, đau ở các vùng cánh mũi, thái dương ở các hốc xoang,... bản thân đã sử dụng rất nhiều các loại thuốc men khác nhau, rồi xông,... nhưng đều không khỏi. Sau đó một lần tình cờ ra Hà Nội xem ti vi thấy một vị bác sĩ chia sẻ về một loại thuốc rất đặc biệt chuyên dành cho những người bị bệnh xoang, thấy anh X.H (một nghê sĩ nổi tiếng khác) chia sẻ cũng bị xoang và dùng “thuốc” như vậy và hết hẳn luôn nên đã tìm hiểu và mua uống mới biết đây là sản phẩm vô cùng đặc biệt do chính Việt Nam mình chế tạo ra. Đó là sản phẩm của PGS.TS Tâm Thuận – một người đã bỏ rất nhiều thời gian ra nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm cho những người bị xoang, cám ơn chị rất là nhiều...”

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 1

Dù được cấp phép là TPBVSK nhưng Shami xoan liên tục được nam ca sĩ D.V.H quảng cáo đây là thuốc chữa viêm xoang “Dùng các loại thuốc khác không khỏi, nhưng chỉ dùng Shamixoan một, hai tháng là khỏi?” tại website https://www.viensuishamixoanchinhhang.info/

Nam ca sĩ này còn nói bản thân dùng hiệu quả, nên đã chia sẻ với rất nhiều bạn bè của mình và khẳng định mọi người đều khen sản phẩm này rất nhạy  “H chưa bao giờ thấy sản phẩm thuốc nào điều trị xoang mà dễ chịu, dễ thương đến mức độ như vậy luôn...”. Và rằng sản phẩm này được bào chế theo công nghệ “nano Nhật Bản”, cho nên tất cả những hạt li ti nhỏ nhất đi thẳng vào những khu bị đau nhức cho nên hoàn toàn yên tâm chất lượng vô cùng “shami xoan là cứu tinh của những ai đang bị xoang”...

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 2

Ngoài ra, tại nhiều trang web khác như https://trcam.com/channels/k1Tg8SIZRHJFaP5UKQTy2Q.html, https://www.lamdepvasuckhoe24h.online/,... hay tại các kệnh Youtobe, sản phẩm này cũng liên tục được ca ngợi như “thần dược” chữa trị bệnh lý viêm xoang, viêm mũi dị ứng, người bệnh dù sử dụng các loại thuốc khác không khỏi, nhưng chỉ dùng shamixoan một, 2 tháng là sẽ hết đau nhức, khô mũi thông thoáng,... Đáng nói, nhân vật quảng cáo trong clip lại nói đây là thuốc “một loại thuốc rất đặc biệt chuyên dành cho những người bị bệnh xoang”.

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 3

Shami Xoan có phải là nghiên cứu của PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Tâm Thuận?

Tại một website có tên là https://www.lamdepvasuckhoe24h.online/, người phụ nữ khoác áo blu trắng xuất hiện trong một đoạn video clip dài gần 2h đồng hồ tự xưng là PGS.TS Nguyễn Thị Tâm Thuận đã có những chia sẻ hết sức “nhân văn”, là “với kinh nghiệm lâu năm điều trị, với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân bị viêm xoang mãn tính không những ở trong nước mà ở cả quốc tế tôi đã nghiên cứu thành công một bài thuốc gồm các vị thảo dược quý ở trong thiên nhiên để điều trị hỗ trợ các bệnh viêm xoang với các triệu chứng như: ho, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau nhức các vùng xoang với các thảo dược như: thiên lý tử, tân di, kim ngân hoa, hồng phong, bạch chỉ, xuyến chi, cam thảo, sơn tra. Mà theo Y học cổ truyền các vị thuốc này có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ trong điều trị các bệnh viêm xoang mạn tính cũng như cấp tính,...

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 4

Người phụ nữ chia sẻ về việc nghiên cứu bào chế sản xuất sản phẩm TPBVSK Shamixoan với công nghệ "nano Nhật Bản" hỗ trợ điều trị viêm xoang tự giới thiệu là PGS.TS bác sĩ Nguyễn THị Tâm Thuận – PGĐ Trung tâm hợp tác Quốc tế Bệnh viện Y học cổ truyền TW tại website https://www.lamdepvasuckhoe24h.online/?

Vậy nếu đúng sản phẩm này là do PGS.TS bác sĩ Tâm Thuận nghiên cứu thì việc nam ca sĩ D.V.H cùng các danh nghệ sĩ khác, các trang web nhắc tới ở trên đang quảng cáo sản phẩm này như thuốc “thần dược” chữa trị viêm xoang vi phạm các quy định, Nghị định của chính phủ về quảng cáo và ATTP bác sĩ Thuận có biết hay không?

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 5

Tại trang web http://www.shamixoangriffin.site/ Shamixoan đang được cho rằng nghệ sĩ X.H quảng cáo tại Truyền hình HTV9 là thuốc chữa viêm xoang và sản phẩm này đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ?

Theo phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm số 7820/2020/ĐKSP của Cục ATTP – Bộ Y tế ngày 19/8/2020 TPBVSK Shamixoan do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Griffin Việt Nam có địa chỉ tại tầng 2 số 393 Trường Chinh, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội chịu trách nhiệm công bố và do Công ty cổ phần Dươc phẩm Fresh Life có địa chỉ tại ½ lô 25+26+29, cụm Công nghiệp An Xá, phường Mỹ Xá, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, Việt Nam sản xuất có công dụng Hỗ trợ thông mũi, hỗ trợ giảm các biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng đầu trán do viêm mũi xoang.

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 6

Được cấp phép là thế, và tại một số website như https://www.viensuishamixoanchinhhang.info/ cuối trang dù đã có dòng chữ cảnh báo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng xuyên suốt toàn bộ trang web lại là những video clip mà các ca, nghệ sĩ - người quảng cáo cho sản phẩm này lại luôn nói đây là thuốc như dùng rất nhiều các loại thuốc đều không khỏi nhưng dùng Shami xoan lại hết?

Việc quảng cáo TPBVSK Shami xoan như một “thần dược” chữa trị viêm xoang thông qua những chia sẻ của các ca sĩ, nghệ sĩ, PGS.TS, bác sĩ tên tuổi trên các trang mạng xã hội, các website, youtobe... dễ khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm rằng đây là thuốc chữa bệnh...

Bát nháo tình trạng quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như thuốc chữa bệnh? - ảnh 7

Đồng thời việc này cũng vi phạm các quy định, Nghị định về Luật quảng cáo và ATTP, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2028/NĐ-CP cuẩ chính phủ về ATTP đã nêu rõ Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm...

Một vị bác sĩ trong lĩnh vực Đông y nhận định: Người bệnh trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần phải lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Và cần phải tới cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, không được tự ý mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên các trang mạng, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Cũng liên quan tới TPBVSK được quảng cáo quá như thuốc chữa bệnh phải kể tới hàng loạt các sản phẩm của cặp vợ chồng trẻ ông Nguyễn Đình Dương, bà Nguyễn Thị Nhung như Yakumi (dạ dày), Zawa (sinh lý), Gmdiet (giảm cân), Đào thi (nở ngực), Genx (sinh lý),... mà báo chí đã nêu hàng loạt trong suốt thời gian qua, hiện các Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ.

Thanh Vân

Xem thêm: Bài 1: Yakuimi - Thần dược trị bách bệnh hay chiêu trò kiếm tiền từ những kẻ vô lương tâm?