Bắt tay với các ngân hàng Nga, Trung Quốc nâng cao vị thế của đồng NDT

Lê Minh (Theo Financial Times) 14:55 | 05/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ Ngân hàng trung ương Nga, hiện đồng USD và đồng euro chiếm chưa đến một nửa thanh toán xuất khẩu của nước này, trong khi đồng NDT chiếm tới 16%.

Đồng tiền mệnh giá 100 Nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Financial Times dẫn số liệu của Trường Kinh tế Kiev (KSE) cho thấy 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc  đã cấp hàng tỷ USD cho các ngân hàng Nga khi các ngân hàng phương Tây rút khỏi nước này trong năm đầu tiên nổ ra xung đột tại Ukraine.

Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã tăng tổng số vốn rót vào Nga từ 2,2 tỷ USD lên 9,7 tỷ USD trong 14 tháng tính đến cuối tháng Ba vừa qua, trong đó ICBC và Ngân hàng Trung Quốc chiếm tới 8,8 tỷ USD.

Động thái của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm đưa đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền thay thế đồng USD. Điều này đồng thời thể hiện nỗ lực của Nga trong việc sử dụng đồng NDT thay vì đồng USD hay euro làm đồng tiền dự trữ.

Sự gia tăng giao dịch bằng đồng NDT diễn ra khi thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt kỷ lục 185 tỷ USD vào năm 2022.

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, hơn 60% thanh toán của Nga cho hàng xuất khẩu của nước này được thực hiện bằng đồng USD và đồng euro, trong khi đồng NDT chỉ chiếm chưa đến 1%.

Theo số liệu từ Ngân hàng trung ương Nga, hiện đồng USD và đồng euro chiếm chưa đến một nửa thanh toán xuất khẩu của nước này, trong khi đồng NDT chiếm tới 16%.

Trong khi đó, ngân hàng Raiffeisen của Áo, ngân hàng nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào Nga, đã tăng tài sản ở nước này lên hơn 40%, từ 20,5 tỷ USD lên 29,2 tỷ USD.

Raiffeisen cho biết đang tìm cách rút khỏi Nga và đã giảm tài sản tại nước này xuống còn 25,5 tỷ USD kể từ tháng 3.

Raiffeisen là một trong số ít các ngân hàng phương Tây vẫn hiện diện đáng kể ở Nga sau khi một số ngân hàng nước ngoài khác ngừng hoạt động tại đây và bán các công ty con vào năm ngoái.

Các chính sách của  Nga vào mùa Hè năm ngoái đã khiến các ngân hàng nước ngoài gặp khó khăn trong việc bán các công ty con ở Nga trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu đang gia tăng áp lực buộc những ngân hàng thuộc quyền giám sát, bao gồm cả Raiffeisen, phải rời khỏi Nga.

Raiffeisen cho biết họ đang cố gắng tìm cách bán hoặc tách hoạt động kinh doanh tại Nga trong khi vẫn tuân thủ luật pháp và quy định tại Nga và quốc tế./.