"Biết người biết ta", yếu tố tiên quyết giúp startup Việt vươn mình ra thế giới

06:15 | 09/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Talkshow trực tuyến "Nguy cơ" tập vừa diễn ra hôm 5/8, hai doanh nhân Thái Vân Linh và Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyễn) đã có những nhận định sâu sắc về hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.

Tiềm năng của starup Việt triển vọng hơn hẳn so với Mỹ

Trở về Việt Nam vào năm 2008 và từng "lăn lộn" ở thời điểm nước nhà chỉ chỉ có hai quỹ đầu tư mạo hiểm nên shark Thái Vân Linh Giám đốc điều hành Công ty CP Vingroup Ventures và là nhà đầu tư kỳ cựu của chương trình Shark Tank Việt Nam có thể đưa ra những nhận định xác đáng về thị trường khởi nghiệp trong nước. 

Cụ thể, hiện tại thì bà Linh cho rằng Việt Nam đã có mọi thứ cần có cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công cùng loạt các mô hình khái niệm kèm theo như: vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, vòng gọi vốn... hút được nguồn tiền từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Nhiều dự án cũng có tính khả thi hơn nhờ những người dẫn dắt đã tích lũy đủ kinh nghiệm. Do đó bà kết luận rằng các startup có thể tính đến chuyện mở rộng quy mô ra thế giới cùng khả năng phát triển mạnh mẽ hơn. 

Biết người biết ta, yếu tố tiên quyết giúp startup Việt vươn mình ra thế giới - ảnh 1

Hai nhà đầu tư nổi tiếng trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ"

Doanh nhân Thái Vân Linh tiếp tục so sánh hai thị trường Việt Nam và Mỹ, bởi trước đây bà từng làm việc nhiều năm tại "xứ sở cờ hoa": Thị trường Mỹ lớn hơn so với Việt Nam nhưng nước ta lại có lợi thế về tốc độ tăng trưởng nhiều so với Mỹ. Vì vậy, đầu tư ở Việt Nam có tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội hơn trong cuộc đua đường dài.

Trái ngược với nhận định của bà Linh, ông Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyễn), Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đạt đến độ hoàn thiện. 

Theo ông, từ quãng thời gian trở về nước vào năm 2003 thì vẫn chưa nhiều người hiểu được "venture capital" tức là "đầu tư mạo hiểm" nghĩa là gì?

Thời điểm đó, dù đã có quỹ đầu tư nhưng thực chất cũng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập. "Ý tưởng thành lập một công ty khởi nghiệp ở Việt Nam của chúng tôi phải đến 15 năm sau mới thành công". Vị doanh nhân chia sẻ thêm: "Những thuật ngữ như doanh nghiệp khởi nghiệp hay kỳ lân mới chỉ trở nên phổ biến trong vòng 7-8 năm trở lại đây".

Bên cạnh đó, nhiều dự án khởi nghiệp chưa cho thấy "lối ra" rõ ràng là một tiêu chí mà ông Louis Nguyễn nhìn vào để nhận định về sự thành công của thị trường khởi nghiệp trong nước. Với ông, các startup thu hút được nhà đầu tư là khi họ đã "exit" tức là đã tiến hành thoái vốn hoặc IPO lên các sàn lớn. Nhìn vào thực tế trong nước thì nhà đầu tư này lại chưa chứng kiến một thương vụ nào nổi bật.

Giải pháp nào giúp các công ty khởi nghiệp chuyển mình?

Hai vị chuyên gia lần lượt chỉ ra sự thiếu hụt về kỹ năng truyền đạt thông tin, quảng cáo, marketing sản phẩm hay thiếu những công nghệ mang tính đột phá trong sản phẩm chính là những nguyên nhân khiến nhiều startup chưa vươn lên mạnh mẽ và tiến xa tại các thị trường quốc tế. 

Ngoài ra, yếu tố về chất lượng con người, thiếu kỹ năng của người trẻ cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Theo bà Thái Vân Linh, để phát triển mạnh mẽ và bứt phá giới hạn thì chủ doanh nghiệp phải nắm rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, và tìm đúng người có thể hoàn thiện hoặc lấp đầy những thiếu sót đang hiện hữu. 

Còn với doanh nhân Nguyễn Thế Lữ, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nắm bắt tiếp cận thị trường quốc tế và cho ra những sản phẩm phù hợp và phải biết "bảo vệ ý tưởng, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của nó". 

Hai chuyên gia đều tin rằng các startup đôi khi nên "hạ mình", thuê những người giỏi ngoại ngữ thuyết trình trước các nhà đầu tư, thay vì tự mình làm việc đó. Đôi khi, một thỏa thuận đổ bể chỉ vì nhà đầu tư không hiểu được doanh nghiệp dù ban đầu ý tưởng có vẻ hấp dẫn. Và nhiều doanh nghiệp cũng cần phải biết tự định giá, tránh tình trạng "ảo tưởng" và nghĩ mình có cùng giá trị với Google, Facebook Uber, Grab hay những thương hiệu lớn khác.

Một khía cạnh nữa mà ông Louis Nguyễn nhấn mạnh đến các startup là vấn đề về tính minh bạch. Điều này cực kỳ quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào các doanh nghiệp này. Sự minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được niềm tin cũng như nguồn vốn của nhà đầu tư. 

Trong khi đó, yếu tố mà "cá mập" Thái Vân Linh cũng lưu ý đến các startup chính là câu chuyện về hiểu rõ văn hóa khi lấn sân sang thị trường quốc tế. 

Bà đưa ra ví dụ về bánh sandwich Subway với nhiều thịt nạc và ít gia vị là một sản phẩm rất phổ biến ở Mỹ trong khi Việt Nam là đất nước của bánh mì với hương vị đậm đà truyền thống của người Việt. Đó cũng là lý do công ty này vẫn chưa thành công được ở thị trường Việt Nam dù đã có những điều chỉnh cho hợp khẩu vị vì khó cạnh tranh được với bánh mỳ truyền thống.

Một ví dụ khác là món kem Ben & Jerry’s từng cố gắng vào Ý nhưng người dân địa phương không thích vì nó quá cứng trong khi nước Ý nổi tiếng với món gelato là một món kem rất mềm.

Vị chủ tịch của Công ty CP Vingroup Ventures kết luận rằng, startup đang ở Việt Nam mà muốn đưa sản phẩm đến một quốc gia khác, điều đầu tiên là tìm ra nhân lực phù hợp, có hiểu biết về văn hóa bản địa tham gia, rồi sau đó xây dựng đội nhóm mới triển khai tiếp thị và bắt đầu bán hàng. 

Cuối cùng, đừng cố "đánh" vào nhiều thị trường cùng một lúc. Điều này cũng tương tự với việc tìm kiếm nhà đầu tư. Để có thể thu hút đối tác tiềm năng, doanh nghiệp phải xác định được "khẩu vị" của nhà đầu tư và trong quá trình thuyết phục cần đưa ra những điều mà họ muốn nghe. 

H.S

Xem thêm: Hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các Công ty khởi nghiệp ở Việt Nam