Bình Xuyên -Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Kinh tế hợp tác có bước phát triển với trên 30 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 thành viên.
Trong 5 năm qua, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 8.150 ha giống lúa chất lượng cao, 317 ha sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 337 con lợn nái ngoại hậu bị, 92 máy sản xuất nông nghiệp và thu hút được 5 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa như: Trứng gà thương phẩm ở xã Thiện Kế, Đạo Đức; dưa chuột tại xã Sơn Lôi, Bá Hiến; sản xuất lúa gạo tại xã Phú Xuân, Tân Phong và thị trấn Thanh Lãng…
Vùng trồng hoa cúc chuyên canh tại xã Đạo Đức đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây
Giai đoạn 2015 – 2020, tổng giá trị sản xuất bình quân toàn ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 1.073 tỷ đồng/năm; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng trên 121 triệu đồng/ha/năm, vượt 6,7 triệu đồng so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đến nay, toàn huyện có khoảng 98% diện tích gieo trồng được sử dụng máy làm đất và thu hoạch bằng máy gặt hoặc máy gặt đập liên hợp; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 58 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,45%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Ruộng đất còn nhỏ lẻ, mạnh mún; cơ chế, chính sách hiện hành chưa thực sự tạo động lực thu hút nên số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có bước chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra thường xuyên; thị trường nông sản trong và ngoài nước có nhiều biến động nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp...
Thời gian tới, huyện tiến hành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện việc dồn thửa đổi ruộng, phát triển nhanh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đưa cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, phát triển chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị; nhân rộng hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Lê Duyên