Bitcoin quay đầu lao dốc cùng với đà bán tháo trên phố Wall

Đông Bắc 14:03 | 06/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường đảo chiều khiến chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tệ nhất 2 năm. Trong khi đó, giá Bitcoin vừa trải qua đợt sụt giảm tồi tệ và rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap, tính đến 14h ngày 6/5 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã lao dốc hơn 8% xuống khoảng 36.445 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền bị thu hẹp còn 693,6 tỷ USD, mất mốc 700 tỷ USD.

Đà bán tháo ồ ạt diễn ra ngay sau một ngày giá Bitcoin tăng áp sát ngưỡng 40.000 USD/đồng. Khối lượng giao dịch tăng 17,35% lên 43 tỷ USD.

Giá Bitcoin hiện lình xình quanh ngưỡng 36.400 USD (Ảnh: CoinMarketCap)

Sắc đỏ cũng bao trùm các loại tiền mã hóa khác. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm 7,18% sau một ngày xuống 1.680 tỷ USD. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - cũng chứng kiến giá giảm 6,64% còn 2.750 tỷ USD.

Diễn biến hôm nay của Bitcoin tương tự thị trường chứng khoán Mỹ. Sàn chứng khoán New York chốt phiên giao dịch ngày 5/5 đã có một phiên giao dịch tồi tệ nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm mạnh bất thường.

Tính theo tỉ lệ %, chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh nhất với mức giảm gần 5%, xuống còn 12.317 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất hơn 1.060 điểm, tương đương 3,1%. Hai chỉ số này đều có mức giảm theo ngày cao nhất từ năm 2020.

Hôm 4/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thêm 0,5%. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết họ có thể tăng lãi với mức này thêm vài lần nữa. Tuy nhiên, quan chức FED không cân nhắc đến việc tăng 0,75%. Việc này đã kéo Wall Street lên trong phiên 4/5. Tuy nhiên, thị trường hôm qua lại đảo chiều, khiến chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tệ nhất 2 năm.

Trong 2 năm qua, ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp tìm đến thị trường tiền số. Hệ quả là các tài sản số ngày càng có diễn biến giống các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu công nghệ.

Nhận định về tương lai Bitcoin, đa số ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, nếu lạm phát không biến mất, cuộc chiến ở Ukraine cũng chưa đến hồi kết và FED vẫn tăng lãi suất thì tiền ảo sẽ có một năm khó khăn.

Về dài hạn, nhiều chuyên gia tin rằng Bitcoin vẫn có thể sẽ chạm ngưỡng 100.000 USD/BTC. Ông Antoni Trenchev, Giám đốc điều hành Nexo, dự báo Bitcoin có thể đạt mốc 100.000 USD trong năm tới.

 

Chốt phiên giao dịch 5/5, chỉ số DJIA giảm 3,12%, còn 32.997 điểm. Nasdaq Composite mất 4,99% về 12.317 điểm - thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Cả hai chỉ số đều có phiên giảm ngày mạnh nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 mất 3,56%, về 4.146 điểm, ghi nhận phiên tệ thứ nhì năm nay.

Diễn biến trên hoàn toàn ngược lại với phiên trước đó, khi cả ba chỉ số đều tăng khoảng 3%. "Nếu thị trường tăng 3% hôm trước và giảm nửa phần trăm hôm sau, đó là điều bình thường. Nhưng nếu hôm sau cũng giảm tới 3% chỉ trong nửa ngày, đó thực sự không thể tưởng tượng nổi", Randy Frederick – Giám đốc Giao dịch và công cụ phái sinh tại Viện nghiên cứu tài chính Schwab cho biết.

Các đại gia công nghệ lớn đều chịu sức ép. Meta Platforms và Amazon mất lần lượt 6,8% và 7,6%. Microsoft giảm 4,4%. Salesforce giảm 7,1% và Apple mất 5,6%.

Nhóm thương mại điện tử dẫn đầu đà giảm hôm qua, do báo cáo tài chính gây thất vọng. Etsy và eBay mất 16,8% và 11,7%. Shopify giảm gần 15% khi không đạt dự báo doanh thu và lợi nhuận.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm qua tăng vọt, lấy lại mốc 3% và lên cao nhất kể từ năm 2018. Lãi suất tăng sẽ gây sức ép lên nhóm cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng cao.

Nhóm cổ phiếu phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế hôm qua cũng lao dốc. Caterpillar mất gần 3%. JPMorgan Chase giảm 2,5%. Home Depot mất hơn 5%.

David Rubenstein tại Carlyle Group cho rằng nhà đầu tư nên nhìn nhận đúng về các thách thức với thị trường và nền kinh tế, trong đó có chiến sự tại Ukraine và lạm phát. "Tôi không cho rằng FED sẽ nâng lãi nhiều đến mức khiến nền kinh tế giảm tốc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế thực sự", Rubenstein cho biết.