Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà bán tháo, hàng trăm tỷ USD vốn hóa 'bốc hơi' khỏi phố Wall

Diên Vỹ (CNBC) 08:14 | 06/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng loạt cổ phiếu công nghệ chìm trong sắc đỏ phiên 5/5 đêm qua trên thị trường chứng khoán Mỹ, xóa sạch hàng trăm tỷ USD vốn hóa thị trường và đẩy chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ lao dốc trong một phiên tệ nhất từ tháng 6/2020 đến nay.

Một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tuyên bố tăng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm trong nỗ lực kiểm soát lạm phát tăng nóng, chứng khoán Mỹ rơi vào đà bán tháo. Tâm lý lo sợ suy thoái kinh tế bao phủ thị trường.

Theo đó, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 1.063 điểm, tương đương 3,12%, đóng cửa ở mức 32.997,97 điểm, mức giảm trong ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2020. S&P 500 giảm 3,56% xuống 4.146,87 điểm, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ thứ hai kể từ đầu năm 2022. Các mức giảm đảo ngược và xóa sạch hoàn toàn đà phục hồi một phiên trước đó của cả hai chỉ số.

Trong đà bán tháo chung, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ cũng giảm 4,99% xuống 12.317,69 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020 và là ngày giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 6/2020 đến nay. Nhóm công nghệ chịu tác động hàng đầu, hàng trăm tỷ USD vốn hóa 'bốc hơi' khỏi thị trường.

Cổ phiếu gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon tụt mạnh 8% trong khi cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook giảm khoảng 7%. Tình hình không khá hơn với các đại công ty công nghệ khác trên thị trường: cổ phiếu Apple bay hơi 6%, cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của Google - mất 5% và Microsoft mất 4%. 

Cả Nasdaq Composite và Dow Jones đều ghi nhận phiên giảm tệ nhất kể từ năm 2020 (Ảnh: Schaeffersresearch)

Hàng loạt nền tảng thương mại, dịch vụ điện tử như Shopify ghi nhận mức tụt 15%, Ebay và Esty cũng sụt giảm 2 con số sau khi ba công ty này báo cáo lợi nhuận quý I đáng thất vọng. 

Các cổ phiếu nền tảng đám mây, vốn được phố Wall ưa chuộng trong thời gian qua, cũng bất ngờ nằm sàn. Nhà phát triển phần mềm thanh toán Bill.com ghi nhận cổ phiếu ​​cổ phiếu giảm 13%, trong khi cổ phiếu của công ty phần mềm quản lý dự án Asana mất 11% và cổ phiếu công ty điện toán đám mây WisdomTree giảm gần 8%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn đã ghi nhận xu hướng bán tháo từ khoảng cuối năm 2021, khi các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE)... tăng vọt và quan ngại FED tăng mạnh lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát khiến nhà đầu tư có xu hướng thêm vào danh mục các cổ phiếu an toàn hơn như năng lượng và tài chính. 

Ngay sau đó, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tạo nên đòn giáng mới với nhóm công nghệ khi đẩy giá năng lượng tăng cao hơn cũng như thổi phồng lo ngại về tình trạng hạn chế cung ứng kéo dài. Một số công ty công nghệ, bao gồm Apple, đã cảnh báo triển vọng kinh doanh không quá lạc quan trong các quý tiếp theo của năm do điều kiện hoạt động suy yếu ở nhiều thị trường do tác động của bất ổn địa chính trị và chính sách Zero COVID ở Trung Quốc. 

Trước đó, trong quý I, Nasdaq Composite đã ghi nhận mức giảm mạnh 9,1%. Quý II mới đi qua chưa được một nửa, chỉ số này tiếp tục mất 21% từ đầu tháng 4 đến nay.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt cổ phiếu đã tăng trưởng ấn tượng trong thời kỳ đại dịch như Netflix, Zoom, Peloton hay Twilio đều chứng kiến sự quay đầu giảm mạnh, với mức giảm hơn 45%. Xu hướng giảm được dự báo chưa kết thúc.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt cổ phiếu như Netflix, Zoom, Peloton hay Twilio đều giảm hơn 45% (Ảnh: CNBC)

Phố Wall ban đầu phản ứng tích cực với bình luận của Thống đốc FED Jerome Powell bác bỏ khả năng ngân hàng trung ương nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong những lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, triển vọng FED tiếp tục tăng lãi suất dồn dập trong các quý tiếp theo, và đặc biệt là thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua hút tiền về từ tháng 6 tới đây, đã dẫn đến tâm lý tiêu cực và dòng bán tháo trên thị trường.