Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp "giải cứu" doanh nghiệp trong đại dịch

06:46 | 09/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nêu những khó khăn bởi COVID-19 và những giải pháp đối ứng giải cứu doanh nghiệp.

Thực trạng "màu xám" bao phủ doanh nghiệp

Cụ thể, người đứng đầu Bộ KHĐT đã trình bày trước Chính phủ thực trạng mang "màu xám" đang bao phủ lên toàn bộ khu vực doanh nghiệp. 

Lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so với cùng thời điểm năm 2020. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây 2016-2020 (trung bình là 8,1%).

Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhóm giải pháp giải cứu doanh nghiệp trong đại dịch - ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong buổi làm việc với các doanh nghiệp ngày 8/8. Ảnh: Kinh tế và Dự báo

Bộ trưởng Bộ KHĐT đã chỉ ra 8 nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện hiện nay. 

Bao gồm những hiện trạng được liệt kê dưới đây. 

Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; Doanh thu giảm mạnh trên diện rộng, đặc biệt là trong các nhóm ngành hàng không, du lịch và nhà hàng khách sạn nhưng doanh nghiệp vẫn phải "gánh" nhiều chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào kéo theo việc tăng giá thành sản xuất; Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, các doanh nghiệp phải hủy đơn hàng và đối mặt với nguy cơ mất thị trường xuất khẩu; 

Bên cạnh đó, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý dẫn đến chậm giao hàng; Khó khăn về lao động trong và sau đại dịch; Khó khăn trong việc nhập cảnh, cấp giấy phép cho chuyên nước ngoài. Và cuối cùng, bộ trưởng nêu ra nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương làm không kỹ, không linh hoạt... 

8 giải pháp giải cứu doanh nghiệp

Trước thực trạng đại dịch đang "bòn rút" sức khỏe của nhiều tập đoàn, công ty nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên tinh thần "chống dịch như chống giặc" cùng phương châm hành động nhanh, hiệu quả đã đề xuất 8 giải pháp chia làm hai nhóm ngắn hạn và dài hạn. Mục đích nhằm tránh làm đứt gãy chuỗi ung ứng, hạn chế tình trạng phá sản doanh nghiệp và bị thâu tóm. 

Ngoài ra, Bộ cũng nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Bốn giải pháp cần khẩn trương tiến hành ngay gồm: 

Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19. Bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao và nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm.

Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hóa quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng...

Ba là, thực hiện và nghiên cứu các chính sách tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Cụ thể hơn là các vấn đề giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn tín dụng... 

Bốn là, gỡ khó về lao động và chuyên gia phù hợp với tình hình thực tế. Hướng dẫn cụ thể và triển khai hiệu quả khoản hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Bên cạnh đó, Bộ KHĐT cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp cần thực hiện theo chiến lược lâu dài, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. 

Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế. Cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt.

Phát triển công nghiệp ngành y tế, công nghiệp hỗ trợ. Đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế tạo theo hướng dài hạn và bền vững, nâng cao giá trị các ngành nông nghiệp và chế biến... 

Thứ hai, nâng cao hiệu quả giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Chú ý tới nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại cần được đơn giản hóa tối đa, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.

Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý chủ sở hữu, tạo sức cạnh tranh và hoạt động bình đẳng cho nhóm doanh nghiệp này. 

Đồng thời, Bộ KHĐT cho rằng cần củng cố, phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả và sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.

H.S

Xem thêm: Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ