Bộ Tài chính: Đảm bảo dư địa cho kiểm soát lạm phát cả năm

Thùy Dương (Thực hiện) 12:08 | 14/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình hình kinh tế, chính trị thế giới dự báo còn nhiều bất ổn tác động tới giá các nguyên vật liệu đầu vào, mặt bằng giá chung, cung cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Mặc dù kinh tế sau đại dịch COVD-19 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, từ đó tạo ra những áp lực trong quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm. Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 

Phóng viên: Là nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ nhận định ra sao về kết quả kiểm soát lạm phát cũng như công tác phối hợp điều hành trong quý I vừa qua?

Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến: Trong quý I năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội.

Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt.

Lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng chậm lại tuy vẫn ở mức cao đã tác động đến giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đó, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định. Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều trong tháng 2 và tháng 3 do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.

Thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen, giá vật liệu xây dựng có biến động tăng trong quý I.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước của tháng 1 năm 2023 tăng 0,52%, tháng 2 năm 2023 tăng 0,45%; tháng 3 năm 2023 giảm 0,23% so với tháng trước, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý I năm 2023, CPI tăng khoảng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến lạm phát trong quý I/2023 vẫn trong kịch bản dự báo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, mức tăng phù hợp với xu hướng biến động của giá cả theo quy luật chung. Qua đó, thể hiện nỗ lực của bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp triển khai các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá nhằm bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra cả năm ở mức khoảng 4,5%.

Phóng viên: Xin Cục trưởng cho biết những yếu tố gây áp lực lớn lên mặt bằng giá trong thời gian tới

Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến: Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn tác động tới giá các nguyên vật liệu đầu vào, mặt bằng giá chung, cung cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVD-19 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn còn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, từ đó tạo ra những áp lực trong quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Theo đó, giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do tác động từ diễn biến xung đột chính trị - quân sự Nga – Ukraine và sự phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn có xu hướng gia tăng trở lại cùng tác động từ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023-2024 theo lộ trình Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá bán lẻ điện bình quân có thể được xem xét điều chỉnh căn cứ theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; giá sách giáo khoa theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện lộ trình triển khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2023-2024 sẽ áp dụng bộ sách giáo khoa mới lớp 4, lớp 8, lớp 11, dự kiến quý II/2023 sẽ được cung ứng ra thị trường với mức giá dự kiến có thể có biến động so với bộ sách giáo khoa hiện hành.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ vận chuyển hàng không được Bộ Giao thông Vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.

Ngoài ra, còn một số yếu tố khác gây áp lực lên mặt bằng giá như giá một số vật liệu xây dựng có xu hướng tăng do vào mùa xây dựng hoặc do chi phí đầu vào tăng, giá lợn hơi giảm thấp ảnh hưởng đến khả năng tái đàn; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Phóng viên: Những tháng tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để thực hiện kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến: Để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật về giá, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; các chính sách về tài khóa, tiền tệ, quản lý, điều hành, bình ổn giá kết hợp với các giải pháp kinh tế vĩ mô khác cũng như cập nhật các kịch bản lạm phát làm làm cơ sở điều hành giá đảm bảo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Căn cứ diễn biến giá cả thị trường 3 tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2023 cho thấy, vẫn có nhiều áp lực cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2023. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 5/1/2023 và tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/3/2023.

Về phía Bộ Tài chính sẽ tập trung các nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện các thủ tục giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua trong tháng 5/2023; triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Đối với các biện pháp quản lý, điều hành giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, xây dựng các báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường theo quy định.

Cùng với đó, điều hành chính sách tài khóa theo mục tiêu phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá dự kiến có phương án điều chỉnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát và phối hợp tham gia ý kiến với các bộ ngành về việc rà soát tham số đầu vào, đánh giá bối cảnh, tác động, mức độ và liều lượng điều chỉnh phù hợp để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá đảm bảo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Bộ Tài chính cũng sẽ tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Đặc biệt, Bộ Tài chính chú trọng thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Phóng viên: Xin cảm ơn Cục trưởng./.