Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tạo hạnh phúc cho nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười

15:04 | 01/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản gặp vô vàn khó khăn. Từ giữa tháng 8, Bộ NN-PTNT đã thành lập và cử tổ công tác 970 vào các tỉnh phía Nam, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.

Nói về thị trường nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tạo hạnh phúc cho nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười - ảnh 1

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, thành phố gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của 9,4 triệu dân TP.HCM, bình quân mỗi ngày người dân thành phố cần khoảng 10.964 tấn lương thực thực phẩm, trong đó cần 1.981 tấn gạo, 660 tấn lương thực khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm.

Sở Công thương và Sở NN-PTNT TP.HCM đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm. Trong đó Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng mặt hàng nông sản cho người dân.

Ông Hiệp đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cần tăng cường nâng cấp hệ thống đăng kí mua sắm online. Tiến tới là đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng. Đồng thời tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.

Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group, ông Hoàng Văn Duy cho biết, đơn vị chuyên phân phối hàng nông lâm thuỷ sản đi 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng về thủy hải sản, mỗi tháng doanh nghiệp này cần bảo đảm cung ứng khoảng 1.500 tấn sản phẩm tươi và 3.000 tấn thực phẩm chế biến.

Sau khi phối hợp với Tổ công tác 970 của, DN đã kết nối được với nhiều hợp tác xã (HTX), Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố có nguồn cung dồi dào về thủy hải sản. Hiện nay, mỗi tháng DN đã chốt được 300 tấn thủy hải sản từ các đối tác. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn giúp nông dân các địa phương gỡ khó bài toán đầu ra trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến lưu thông, vận chuyển khó khăn.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Central Group, ông Paul Lê cho hay, ngay từ những ngày đầu TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị đã phối hợp với Tổ công tác 970 hỗ trợ tiêu thụ 10.000 gói combo nông sản đến người dân bị ảnh hưởng nặng nề tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tạo hạnh phúc cho nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười - ảnh 2

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co-op) thì cho rằng, cần sản xuất, phát triển thị trường nông sản phù hợp với nhu cầu mua sắm online.

Cũng theo ông Đức, thời gian tới, Saigon Co-op sẽ sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương, hiện chúng tôi đã có mặt tại 47/63 tỉnh thành. Ngoài việc tập trung cho TP.HCM và Bình Dương, Saigon Co-op sẽ kết nối thêm với các tỉnh còn lại.

Saigon Co-op cũng đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này.

“Nghĩa là chúng ta phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói. Chúng tôi mong muốn các đầu mối của Tổ công tác 970 truyền tải thông tin này. Bây giờ không phải là lúc chúng ta hoảng sợ trước dịch bệnh, mà là phát triển đi lên”, ông Đức khẳng định.

Chia sẻ về những ý kiến, nhận định này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng “Thương mại điện tử là xu thế của thời đại công nghệ 4.0. Nó nằm ở chiều sâu, không chỉ dừng ở thời điểm dịch bệnh hiện tại, mà còn tồn tại, song hành với quá trình vận hành của nền nông nghiệp Việt Nam”.

Vị này cũng cho rằng, việc tạo diễn diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản, hy vọng sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng dựa trên đơn giá trị thành đa giá trị, đồng thời lấy thị trường làm chuẩn mực cho điều hành sản xuất, quản lý.

Người đứng đầu ngành NN-PTNT tái khẳng định, vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp, khi hầu hết chúng ta đều mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua bán không gặp nhau từ kết nối, chất lượng, đến giá cả. Đây là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, để cùng nhau vượt qua.

“Cho đi rồi sẽ nhận lại. Tạo hạnh phúc cho người nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười mỗi tối trước khi đi ngủ” – Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.

THU QUỲNH