Các Big4 lên tiếng về bài toán khó khi làm tín dụng xanh

Minh Nguyệt 07:00 | 26/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù tích cực triển khai tín dụng xanh, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp do thiếu khung pháp lý rõ ràng và chi phí đầu tư ban đầu cao.

Tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh" do Báo Lao động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều ngày 25/4, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai tín dụng xanh, dù ngân hàng đã chủ động xây dựng nhiều gói hỗ trợ.

Theo bà Bình, Agribank hiện có hai gói tín dụng xanh dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trước đó, từ năm 2017, ngân hàng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Đài Truyền hình Việt Nam triển khai gói tín dụng quy mô 50.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Một trong những chương trình nổi bật Agribank đang tham gia là tài trợ trồng rừng sản xuất. Đây cũng chính là nền tảng giúp Việt Nam thu về 51,5 triệu USD từ tín chỉ các-bon. Gần đây, ngân hàng tiếp tục tham gia chương trình trồng lúa giảm phát thải 1 triệu hecta tại Đồng bằng sông Cửu Long.

“Chúng tôi rất chia sẻ với nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn tín dụng xanh. Đây không còn là câu chuyện của một vài doanh nghiệp riêng lẻ mà là tình trạng phổ biến,” bà Bình nói.

Đối với chương trình 1 triệu hecta lúa, Agribank triển khai theo mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, cho vay đồng bộ từ khâu cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến đơn vị tiêu thụ cuối cùng.

Ngân hàng cho vay riêng từng khâu để mỗi thành phần tham gia đều có trách nhiệm. Nếu toàn bộ chuỗi cùng tham gia, Agribank sẽ áp dụng chính sách giảm lãi suất.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Ảnh: Báo Lao động)

Tuy nhiên, bà Bình cũng cho biết một vướng mắc lớn là quy định pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo. Cụ thể, đất thuê trả tiền hàng năm không đủ điều kiện thế chấp, ngân hàng chỉ được nhận tài sản đầu tư trên đất. “Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng không đủ điều kiện để giải ngân,” bà Bình chia sẻ.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, tín dụng xanh thống kê theo các tiêu chí cụ thể đạt gần 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều doanh nghiệp dù đạt chuẩn xuất khẩu vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ theo danh mục cho vay xanh.

Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, bà Bình cho biết Agribank rất quan tâm, nhưng do chính sách còn nhiều bất cập nên chưa thể triển khai. Một số mô hình như điện sinh khối – vốn rất thân thiện với môi trường – cũng chưa thể phát triển mạnh do thiếu căn cứ đánh giá hiệu quả tài chính rõ ràng.

Từ thực tiễn triển khai, Agribank kiến nghị hai nội dung bao gồm cần sớm ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia để ngân hàng có căn cứ thẩm định, cho vay các dự án xanh.

Ngoài ra, Agribank với đặc thù huy động vốn chủ yếu từ dân cư rất cần các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Do đó, khi thu được các nguồn như tín chỉ các-bon hay tài trợ cho các dự án như 1 triệu hecta lúa, cần ưu tiên phân bổ nguồn vốn về Agribank để ngân hàng có cơ sở hạ lãi suất cho vay.

"Chúng tôi rất mong sau hội thảo, các bộ ngành có sự phối hợp để ban hành chính sách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng triển khai tín dụng xanh hiệu quả", bà nhấn mạnh.

Ông Vương Thành Long, Phó Trưởng Khối Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV (Ảnh: Báo Lao động)

Tiếp nối câu chuyện từ đại diện Agribank về những rào cản khi triển khai tín dụng xanh, ông Vương Thành Long, Phó Trưởng Khối Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV, cho rằng nhu cầu chuyển đổi xanh là tất yếu trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đối mặt với yêu cầu cao hơn từ pháp lý, nhà đầu tư và đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bài toán chi phí đầu tư ban đầu và khả năng tiếp cận vốn vẫn là thách thức lớn.

Từ góc độ ngân hàng, ông Long nhấn mạnh vai trò trung tâm của ngân hàng trong hệ sinh thái tài chính xanh, không chỉ cấp vốn mà còn dẫn dắt, tư vấn và kết nối các bên liên quan.

Với vai trò tiên phong, BIDV hiện là ngân hàng dẫn đầu thị phần tín dụng xanh tại Việt Nam, với dư nợ đạt gần 81.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% thị phần toàn ngành tính đến cuối năm 2024. Ngay từ chiến lược 2021–2025, BIDV đã xác lập mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới trở thành ngân hàng Net-zero vào năm 2050.

Không chỉ cung cấp các sản phẩm vay xanh, BIDV triển khai đồng bộ các giải pháp đi kèm như tư vấn ESG, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm kê phát thải, kết nối doanh nghiệp với các đối tác ESG uy tín, và giảm phí dịch vụ cho các giao dịch đáp ứng tiêu chí môi trường – xã hội.

Trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo cho biết BIDV cam kết tiếp tục mở rộng danh mục tài chính bền vững và tích hợp ESG trong toàn bộ hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, ông Long cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn xanh rõ ràng để các bên thụ hưởng có cơ sở tiếp cận chính sách. Đặc biệt, ông đề xuất xây dựng quỹ dự phòng rủi ro dành riêng cho các lĩnh vực dễ tổn thương như nông nghiệp nhằm khuyến khích chuyển đổi xanh thực chất và hiệu quả hơn.