Các nhà đầu tư 'để mắt' đến tiền tệ của các thị trường mới nổi

Minh Hằng/ TTXVN 07:44 | 07/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh đồng USD rời khỏi mức cao nhất của nhiều thập niên, một số nhà đầu tư đang đặt cược tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ “thắng lớn” trước sự đảo chiều của đồng bạc xanh.

Chỉ số tiền tệ các thị trường mới nổi (MSCI) tháng 11/2022 tăng gần 5% từ mức thấp và ghi nhận mức tăng tốt nhất tính theo tháng trong khoảng 7 năm do đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất đã củng cố khả năng các nhà đầu tư đặt cược vào tiền tệ của thị trường mới nổi.

Việc đồng USD giảm 8% so với rổ tiền tệ của các thị trường phát triển, rời khỏi mức “đỉnh” ghi nhận được trong tháng 9/2022 cho thấy sự chuyển đổi tâm lý của nhà đầu tư. Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên số liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, các nhà giao dịch đầu cơ đã chuyển sang vị thế bán ròng (vị thế bán nhiều hơn vị thế mua mà một nhà đầu tư có trong danh mục đầu tư của mình) lần đầu tiên trong 16 tháng.

Paresh Upadhyaya, Giám đốc chiến lược về tiền tệ và thu nhập cố định tại Amundi US cho biết các nước đang chờ đợi đồng USD xuống giá.

Các loại tiền tệ của thị trường mới nổi đã vượt trội hơn so với các loại tiền tệ của các thị trường phát triển trong năm nay, với chỉ số tiền tệ của các thị trường mới nổi của MSCI giảm 5% từ đầu năm đến nay, trong khi tiền tệ của các thị trường phát triển so với đồng USD đã giảm gần gấp hai lần.

Ngoài khả năng Fed tăng lãi suất chậm hơn, các nhà đầu tư còn viện dẫn kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách ngăn ngừa COVID-19 nghiêm ngặt và lợi suất tương đối cao tại nhiều thị trường mới nổi là lý do để chuyển hướng sang các loại tiền tệ của thị trường mới nổi.

Ông Upadhyaya đang đề cập đến các loại tiền tệ của các thị trường mới nổi có lợi suất cao, mà đã cân bằng được tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách ít hơn, trong đó có đồng real của Brazil, đồng sol của Peru và đồng rupee của Ấn Độ.

Một số thị trường mới nổi cung cấp lợi suất hấp dẫn thậm chí được điều chỉnh theo lạm phát. Chẳng hạn, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, được điều chỉnh theo lạm phát, ở mức 1,08%, so với mức 6,07% đối với trái phiếu tương đương của Brazil.

Nhiều nguồn tin cho hay các nhà đầu tư cũng chào đón triển vọng thay đổi chính sách liên quan đến COVID-19 của Trung Quốc. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường tiêu thụ hàng hóa chính được sản xuất bởi nhiều quốc gia mới nổi, sẽ thông báo nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế COVID-19 sớm nhất vào ngày 7/12.

Đồng NDT của Trung Quốc tăng khoảng 5% so với đồng USD kể từ cuối tháng 10/2022 và đạt hiệu suất tốt nhất tính theo tuần so với đồng bạc xanh trong ít nhất 20 năm hôm 2/12, trong khi chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong (Trung Quốc) tăng 27% trong tháng 11/2022, tháng tốt nhất kể từ tháng 10/1998.

Jack McIntyre, Giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global, cho hay Trung Quốc không thể quay lại với chính sách "Zero COVID" nữa. Ông McIntyre đã tăng cường giao dịch với một số loại tiền tệ châu Á, bao gồm đồng baht của Thái Lan và đồng ringgit của Malaysia. Đồng tiền của Thái Lan tăng 8% trong tháng 11, trong khi đồng ringgit tăng 6%.

Tuy vậy, một số nhà đầu tư cho rằng có thể còn quá sớm để đặt cược vào sự đảo chiều bền vững của đồng USD. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết đã đến lúc giảm tốc độ tăng lãi suất sắp tới, song ngân hàng trung ương này có thể tăng lãi suất cao hơn dự đoán trước đây trong bối cảnh Fed đang phải đối đầu với cuộc chiến chống lại lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.

Bên cạnh đó, số liệu về giá tiêu dùng Mỹ, công bố vào tuần tới, có thể khơi lại các đồn đoán về việc tăng lãi suất của Fed, qua đó thúc đẩy đồng USD. Các nhà đầu tư đồn đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới, sau một loạt các đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.