Đồng USD giằng co giữa dữ liệu kinh tế tích cực và áp lực chính trị
Đồng USD đã tăng giá trong phiên giao dịch ngày 25/7, được hỗ trợ bởi các dữ liệu kinh tế vững chắc cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không vội vàng trong việc nối lại chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Đồng thời, các cuộc đàm phán thuế quan có những tín hiệu rõ ràng hơn, giúp giảm bớt phần nào sự bất ổn trên thị trường.
Đồng tiền của Mỹ ít có phản ứng với dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng mới đối với tư liệu sản xuất chủ chốt do Mỹ sản xuất đã bất ngờ giảm trong tháng 6/2025.
Điều này cho thấy chi tiêu của doanh nghiệp cho trang thiết bị đã chậm lại đáng kể trong quý 2 năm 2025.
Ông Elias Haddad, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty Brown Brothers Harriman ở London, cho biết đồng USD đã phục hồi phần nào trong hai ngày qua sau khi chịu áp lực vào đầu tuần.
Theo ông, sự phục hồi này chủ yếu được hỗ trợ bởi một loạt dữ liệu kinh tế đáng khích lệ của Mỹ, vốn củng cố cho lập luận rằng Fed nên tiếp tục kiên nhẫn.
Tuy nhiên, “đồng bạc xanh” đang trên đà ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất trong một tháng, trước thềm các cuộc đối thoại quan trọng về thuế quan và cuộc họp của các ngân hàng trung ương vào tuần tới.
Cả Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đều được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch đang chờ đợi những bình luận sau đó để đánh giá thời điểm cho các động thái tiếp theo của hai ngân hàng này.
Trong một báo cáo nghiên cứu, BNP Paribas nhận định rằng sự bất ổn kinh tế liên quan đến chính sách thương mại dù chưa được giải quyết triệt để, nhưng đã giảm đi rõ rệt.
Yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng đến cả hai ngân hàng trung ương trên, đặc biệt là tại Mỹ, nơi Tổng thống Donald Trump mới đây một lần nữa gây sức ép yêu cầu Fed hạ lãi suất.
Chuyên gia Haddad của Brown Brothers cho rằng chính sách tiền tệ của Fed đang bị "phủ bóng bởi áp lực chính trị muốn lãi suất hạ.” Đó là một trong những lý do khiến ông tin rằng đà tăng của đồng USD sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, đồng USD đã phục hồi nhẹ so với đồng euro vào cuối phiên 24/7, sau khi Tổng thống Trump cho biết ông không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Ông Derek Halpenny, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tại MUFG, nhận định rằng sự nhẹ nhõm của thị trường đến từ việc ông Trump đã không kêu gọi ông Powell từ chức, mặc dù điều này là do ông Trump cho rằng ông Powell sẽ "làm điều đúng đắn."
Tuy nhiên, ông Halpenny nói thêm rằng chủ đề về việc Nhà Trắng làm suy yếu tính độc lập của Fed có thể sẽ không sớm biến mất và vẫn là một rủi ro tiêu cực đối với đồng USD.
Sự sụt giảm của đồng USD so với đồng euro và đồng yen khiến chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ sáu loại tiền tệ chủ chốt, có thời điểm đứng ở mức 97,45, trên đà giảm 0,8% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất trong một tháng. Mặc dù vậy, chỉ số này sau đó đã tăng trở lại 0,2% lên 97,663 trong phiên 25/7.

Đồng tiền 10.000 yen của Nhật Bản và đồng 100 USD. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong khi đó, tại Nhật Bản, mặc dù thỏa thuận thương mại được ký kết với Mỹ trong tuần này có thể giúp BoJ dễ dàng hơn trong việc tiếp tục tăng lãi suất, nhưng thất bại của liên minh của Thủ tướng Shigeru Ishiba trong cuộc bầu cử thượng viện đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn đối với BoJ.
Đồng yen đã suy yếu, một phần do dữ liệu lạm phát tại Tokyo thấp hơn kỳ vọng. Đồng USD đã có thời điểm tăng 0,4% lên 147,59 yen đổi 1 USD. Nhưng đồng USD vẫn trên đà giảm 0,9% so với đồng yen khi tính chung cả tuần.
Đồng euro đi ngang ở mức 1,1741 USD đổi 1 euro trong phiên 25/7, nhưng đang hướng tới mức tăng gần 1% trong tuần, thành tích tốt nhất trong một tháng qua.
Đồng tiền chung châu Âu đã nhận được một số hỗ trợ trong phiên 24/7 từ cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Các nhà hoạch định chính sách đã giữ nguyên lãi suất ở mức 2% như dự đoán, nhưng những đánh giá tương đối lạc quan của ECB về triển vọng kinh tế và các dấu hiệu cho thấy Liên minh châu Âu (EU) sắp đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ đã khiến các nhà đầu tư phải xem xét lại các dự đoán trước đây về việc sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Ngược lại, dữ liệu yếu kém của Anh đang củng cố dự đoán về việc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn. Điều này khiến lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng nhanh hơn so với của Anh, qua đó hỗ trợ đồng euro so với đồng bảng Anh.
Trong phiên 25/7, đồng euro đã tăng lên 87,43 xu Anh đổi 1 euro, mức cao nhất kể từ tháng Tư, tiếp nối đà tăng 0,44% của phiên trước đó.
Dữ liệu công bố ngày 25/7 cho thấy doanh số bán lẻ của Anh trong tháng Sáu vừa qua thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích, dù đã phục hồi sau cú giảm mạnh trong tháng Năm.
Các số liệu trước đó cũng cho thấy hoạt động kinh doanh tăng trưởng yếu trong tháng 7/2025 và các nhà tuyển dụng đã cắt giảm việc làm với tốc độ nhanh nhất trong năm tháng. So với đồng USD, đồng bảng Anh đã giảm 0,6% xuống còn 1,3434 USD đổi 1 bảng Anh.