Các sếp ngân hàng và người thân 'gom' cổ phiếu 'vua' trước khi chuyển sàn

06:56 | 20/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian gần đây, làn sóng niêm yết, chuyển sàn đã tác động lên cổ phiếu 'vua'. Nhiều lãnh đạo nhà băng mạnh tay 'gom' cổ phiếu và cũng không ít cổ đông, lãnh đạo nhà băng tìm cơ hội gia tăng 'đẩy' hàng.

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MBB trong thời gian từ ngày 21/10 - 19/11/2020 thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn.

Nếu giao dịch thành công, ông Thái sẽ nâng sở hữu tại MBB từ hơn 1,54 triệu cổ phiếu lên hơn 2.54 triệu cổ phiếu.

Hiện, giá cổ phiếu MBB đang giao dịch quanh mức 18.200 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 19/10, ước tính ông Thái sẽ phải bỏ ra khoảng 18,2 tỷ đồng để thực hiện thương vụ trên.

Các sếp ngân hàng và người thân 'gom' cổ phiếu 'vua' trước khi chuyển sàn - ảnh 1

Ông Jens Lotter, tân Tổng Giám đốc Techcombank.

Trước đó, vào ngày 4/10, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc mới của Techcombank mua xong 439.000 cổ phiếu TCB từ VCSC. Ước tính theo mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản chứng khoán của ông Jens Lottner sau giao dịch xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Đồng thời, ông Jens Lottner cũng trở thành cổ đông sở hữu 0,0125% vốn điều lệ ngân hàng.

Mới đây, Techcombank đã chủ động mở room ngoại từ 22,4951% lên mức 22,5076% vốn điều lệ để nâng giới hạn để người lao động nước ngoài được mua cổ phiếu.

Bà Lê Diệu Linh, vợ ông Hoàng Linh, Giám đốc tài chính Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) mới đây cũng đăng ký mua 2,4 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 14/10 - 12/11/2020 để tăng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng.

Hiện, bà Diệu Linh chưa phải là cổ đông của VIB. Theo đó, nếu giao dịch thành công, bà Diệu Linh sẽ nắm giữ 2,4 triệu cổ phiếu VIB, chiếm 0,18% vốn của VIB.

Trong khi đó, ông Hoàng Linh đang nắm giữ 132,925 cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 0,01%.

Cổ phiếu VIB đã tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian gần đây khi thông tin chuyển sàn niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) trong tháng 11/2020.

Cổ phiếu VIB đang giao dịch quanh mức giá 30.800 đồng/cổ phiếu trong ngày 14/10, giảm nhẹ so với 2 phiên trước, nhưng tăng gần 89% so với đầu năm 2020.

Với mức giá này, ước tính vợ Giám đốc tài chính VIB phải chi gần 77 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu đã đăng ký.

Các sếp ngân hàng và người thân 'gom' cổ phiếu 'vua' trước khi chuyển sàn - ảnh 2

Trước đó, vợ ông Hồ Vân Long, Phó Tổng giám đốc VIB cũng dự kiến mua 3,2 triệu cổ phiếu VIB từ ngày 12/10 - 10/11/2020, để tăng tỷ lệ sở hữu tại đây.

VIB vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020. Theo báo cáo, trong quý 3, VIB đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý 2/2020 và tăng 52% so với quý 3/2019.

Lũy kế 9 tháng năm 2002, tổng doanh thu của nhà băng này đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%, lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt 1.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% tổng doanh thu, tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu duy trì ở mức 40%. Chi phí dự phòng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. ROE bình quân đạt 28,9%, thuộc nhóm cao nhất ngành.

Đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 213 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt trên 151 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao gần gấp 3 lần so với trung bình ngành. Tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 2%, giảm so với quý 2.

Trái chiếu với động thái nhiều lãnh đạo nhà băng mạnh tay "gom" cổ phiếu trước làn sóng ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn thì cũng không ít cổ đông, lãnh đạo nhà băng tìm cơ hội giá tăng "đẩy" hàng.

Theo đó, ngân hàng ACB vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của Quỹ First Burns Investments Limited (FBIL) và quỹ Asia Reach Investments Limited (ARIL).

Cụ thể, First Burns Investments Limited đã bán xong 32,9 triệu cổ phiếu ACB, giảm lượng sở hữu từ 86,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4%) xuống 53,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,48%). Giao dịch được thực hiện từ 9/10 đến 12/10/2020.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Quỹ Asia Reach Investments Limited cũng đã bán thành công 13,7 triệu cổ phiếu, giảm lượng sở hữu từ 68 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,15%) xuống 54,3 triệu cp (tỷ lệ 2,51%).

Từ ngày 9/10 - 12/10, giá cổ phiếu ACB giao động quanh mức 23.200-23.800 đồng/CP. Trong đó, ngày 9/10 chứng kiến giao dịch thỏa thuận đột biến của cổ phiếu ACB với gần 40 triệu cổ phiếu ACB được thỏa thuận ở mức 24.000 đồng/cổ phiếu.

Theo thông tin được ACB công bố, cả 2 quỹ Asia Reach Investments Limited và First Burns Investments Limited đều là tổ chức liên quan trực tiếp tới ông Dominic Timothy Charles Scriven, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ACB.

Một tổ chức khác hiện đang là cổ đông lớn của ACB liên quan đến ông Dominic Scriven là Dragon Financial Holdings Limited. Quỹ này hiện đang nắm giữ hơn 110 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 6,92%.

Được biết, mới đây HOSE đã có thông báo nhận hồ sơ niêm yết của ACB. Theo đó, ACB dự kiến niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu trên HOSE cuối năm nay, tương ứng với giá trị thị trường theo mệnh giá là 21.616 tỷ đồng.

Khi chuyển sang HOSE, cổ phiếu ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… từ đó có thể tăng giá trị thị trường cho cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, cổ phiếu ACB đứng ở mức giá 25.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 41% so với hồi đầu tháng 8.

Bảo Vy (T/h)