Các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu năm 2018

22:10 | 03/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo các chuyên gia chiến lược, năm 2018 sẽ là một năm căng thẳng đối với các nhà đầu tư toàn cầu trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến động và công nghệ định hướng xu hướng thị trường.

Các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu năm 2018 - ảnh 1
Bên cạnh Thế vận hội mùa đông và World Cup, các nhà đầu tư, kinh doanh sẽ phải đối mặt với những thách thức hạt nhân của Triều Tiên, rủi ro từ Brexit, cải cách kinh tế của Trung Quốc và cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ trong 12 tháng tới. Ngoài ra, có 3 yếu tố có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu.

Phản đối công nghệ

Ông Daniel Franklin, Biên tập viên của The Economist nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn rằng, một chủ đề cụ thể đáng theo dõi trong năm 2018 chắc chắn sẽ là một sự “phản đối công nghệ” sắp xảy ra.

"Trong những tháng tới, các nhà lập pháp trên khắp thế giới có thể sẽ nhằm vào những công ty công nghệ khổng lồ như Facebook, Google và Amazon", ông Franklin cho biết và nhấn mạnh, các công ty này đã trở nên lớn một cách đáng lo ngại, việc sử dụng dữ liệu của họ không phải lúc nào cũng làm người khác hài lòng và có một câu hỏi lớn đặt ra liệu nền tảng của họ đang được sử dụng cho các mục đích chính trị hay không.

Ông Franklin cho rằng, sự phản ứng dữ dội đối với các công ty công nghệ lớn nhất thế giới sẽ là mối lo ngại lớn đối với cả châu Âu và Mỹ.

Mặc dù các nhà lập pháp dự kiến sẽ tập trung vào những gã khổng lồ công nghệ trong năm tới, nhưng ông Franklin cho biết các công ty đa quốc gia này cũng cần phải chú ý đến Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (EU GPDR).

"Nếu công ty nào không tuân thủ GPDR, sẽ phải chịu mức phạt 4% doanh thu toàn cầu hoặc 20 triệu EUR (23,5 triệu USD)", ông Franklin cho biết.

Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi

Các chuyên gia của ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cho biết, tình hình tài chính ở Mỹ và châu Âu là khá thuận lợi. Nền kinh tế toàn cầu hiện đã trải qua thời kỳ khó khăn, bắt đầu quá trình tăng trưởng trở lại. Do đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,8% vào năm 2018 – tương đương mức tăng trưởng năm 2017.

"Bất chấp quá trình hồi phục, kinh tế toàn cầu vẫn có thể mở rộng đà tăng trưởng trong bối cảnh còn rất ít dư địa”, các nhà phân tích của ngân hàng cho biết.

Trong khi đó, PwC cho biết có dấu hiệu lạc quan về một chu kỳ hồi phục mạnh hơn dự kiến ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ.

Tổng thống Macron - nhân vật thời hiện đại

Theo ông Franklin, trong khi Tổng thống Donald Trump luôn coi trọng chủ trương “nước Mỹ là trên hết”, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hướng tới toàn cầu hóa, điều này sẽ thúc đẩy cạnh tranh và kinh doanh, đồng thời bảo vệ những người lao động bị thiệt thòi.

Ông Trump đã bị chỉ trích là ưu tiên chủ quyền quốc gia hơn các liên minh quốc tế trong 12 tháng đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng ông muốn tạo những công ăn việc làm tốt, trả lương cao, cắt giảm thuế doanh nghiệp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Hai hệ tư tưởng đối lập của hai nhà lãnh đạo nói trên đã được thể hiện rõ trên trường quốc tế. Ngay sau khi ông Trump cam kết rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Macron đã thông báo một sáng kiến mang tên "Làm hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại”.

Ông Macron luôn muốn giúp thị trường lao động của Pháp trở nên linh hoạt hơn để cải thiện nền kinh tế của đất nước. Ông đã ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết của nước Pháp để trở nên cạnh tranh hơn và coi cải cách lao động là một trong những chính sách chủ chốt của ông trong cuộc vận động tranh cử. Tuy nhiên, vấn đề này luôn gây ra những khúc mắc với các công đoàn.

Trong những tháng tới, ông Franklin dự đoán Macron sẽ nổi lên như một nhân vật thời hiện đại tương tự như cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt – vị tổng thống gắn liền với "kỷ nguyên tiến bộ" của nước Mỹ.

Minh Hoa (theo Diễn đàn Doanh nghiệp)