“Cai nghiện” thanh tra - tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

08:00 | 07/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đây là sự quyết liệt của Chính phủ nhằm tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
“Cai nghiện” thanh tra - tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: Internet.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, chiều 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có nghe thông tin có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Hà Nội trong một tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra.

Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra thông tin, chấn chỉnh tình trạng này. Đồng thời, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 của Thủ tướng.

Cách đây đúng một năm, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Tuy nhiên, tình trạng "trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh" liên quan đến lĩnh vực thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo CafeF.vn, trong buổi hội thảo lấy ý kiến danh mục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi giữa tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Khánh Trình là CEO của Clever Ads, đối tác quảng cáo lớn của Google và Facebook ở Việt Nam đã chấp nhận có thể bị đóng cửa chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của mình để thẳng thắn chia sẻ: “Trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Do quá nhiều đoàn, tôi đã phải thành lập thêm một bộ phận chuyên tiếp đón. Đội đấy gồm 3 người với tổng lương gần 30 triệu đồng. Công việc của đội này là chờ các đoàn kiểm tra đến để in giấy tờ, gọi điện trước để biết cần chuẩn bị cái gì”.

“Cai nghiện” thanh tra - tạo động lực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh - ảnh 2
Ông  Nguyễn Khánh Trình, CEO của Clever Ads, đối tác quảng cáo lớn của Google và Facebook ở Việt Nam. Nguồn: Internet.
Ông Trình cũng cho biết 120 nhân viên của công ty đều được "tuyên truyền" pháp luật. Cố gắng của mọi người nhằm xây dựng một doanh nghiệp về thực phẩm sạch, không làm những gì trái pháp luật, đạo đức. Mục đích lớn nhất là phát triển một chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ để ngày càng nhiều người được sử dụng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, thành viên các đoàn kiểm tra thường không thể hiện thiện chí tương xứng.

"Anh chị đến bấm còi hú ô tô khiến khách hàng của tôi sợ hãi. Tôi cho rằng đó là hành vi không sạch, không phù hợp với ngành thực phẩm sạch, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp".

Ông Trình mong muốn sớm có sự thay đổi trong vấn đề thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Nếu vấn đề thanh, kiểm tra quá nhiều không được giải quyết, doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên.

Đây không phải là lần tiên CEO của một doanh nghiệp phát biểu thẳng trước tình trạng “bội thực” thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hay còn gọi là công chức "nghiện thanh tra".  

Trước đó, tuoitre.vn đã dẫn lời của một số nhà quản lý, luật sư và CEO để phản ánh thực trạng đáng buồn trên.

Cụ thể, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng: Chỉ cần cơ quan quản lý khi thanh tra, kiểm tra có góc nhìn vội vàng, cố bắt lỗi là doanh nghiệp khó có đường thoát. “Muốn doanh nghiệp còn tinh thần và động lực sản xuất kinh doanh, môi trường pháp lý cần triệt để thay đổi. Chứ nay đoàn này xuống, mai đoàn khác đến chỉ để lặp lại những nội dung đã từng được kiểm tra, chắc doanh nghiệp không còn thời gian làm việc gì cả”.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang nhẩm tính: Theo quy định, cấp Cục Thuế được thanh tra trong vòng 30 ngày làm việc, gia hạn thêm 15 ngày nên thời gian phải tiếp đoàn của doanh nghiệp có thể lên tới 9 tuần, tương đương hơn 2 tháng.

Chưa kể trước thanh tra, kiểm tra, có cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp cung cấp trước hồ sơ chứng từ, dù điều này không có trong quy định. Một năm có 12 tháng, chỉ cần một đoàn thanh tra đã hết 2 tháng, doanh nghiệp còn đâu thời gian sản xuất kinh doanh.

Ông Hồ Đức Hùng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển Đại học Kinh tế TPHCM đưa ra khuyến cáo: Nếu không có sự quyết liệt nhìn thẳng vào vấn đề, rất khó có thể xoá bỏ tình trạng công chức “nghiện kiểm tra” nhằm nhũng nhiễu doanh nghiệp.