Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số

15:41 | 03/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là chủ đề ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” do Đại học Kinh tế Quốc dân công bố. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, về ấn phẩm này.

Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số - ảnh 1
GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: V-Startup LeCerne.
 Thưa GS.TS Trần Thọ Đạt, với vai trò là đồng chủ biên của ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019”, ông có những nhận xét như thế nào về điểm khác biệt của ấn phẩm năm nay so với những ấn phẩm đã có trước đó của Đại học Kinh tế Quốc dân?

GS.TS Trần Thọ Đạt:  Ấn phẩm đánh giá kinh tế thường niên của Đại học Kinh tế Quốc dân có thể coi là một sản phẩm truyền thống và mang màu sắc của Trường. Ấn phẩm năm nay mang chủ đề “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” và đây là một trong những chủ đề nền kinh tế Việt Nam sẽ hướng tới trong những năm sắp tới.

Khi nhìn nhận vai trò của kinh tế số ngày càng quan trọng, Đảng ta cũng đã có một nghị quyết về chủ chương phát triển kinh tế số và vai trò của kinh tế số đối với năng suất lao động của Việt Nam. Muốn Việt Nam tăng trưởng nhanh, tăng trưởng bền vững, vai trò sợi chỉ đỏ xuyên suốt của quá trình này là năng suất lao động. Để cho năng suất lao động được cải thiện và tăng lên một cách rõ rệt trong bối cảnh ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 thì kinh tế số giữ một vai trò ngày càng quan trọng.

Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số - ảnh 2
Đối tượng của bạn đọc đối với ấn phẩm thường niên về Kinh tế Việt Nam của Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản trước hết là nhằm phục vụ cho các chuyên gia kinh tế, các nhà phân tích kinh tế, các nhà hoạch định chính sách; phục vụ cho các đội ngũ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những ai quan tâm những vấn đề khác nhau của kinh tế Việt Nam. Những phân tích trong cuốn sách, mặc dù dựa trên những nền tảng khoa học, có dựa vào và trên cơ sở dữ liệu phân tích đánh giá thực tế, nhưng được truyền tải khá dễ hiểu. Cho nên chúng tôi hy vọng  ấn phẩm năm nay sẽ được mang đến những thông tin rất quan trọng tới đông đảo bạn đọc, đông đảo độc giả, nhất là những thông tin liên quan đến tác động của COVID-19 tới tình hình kinh tế Việt Nam.

Trong một phần của ấn phẩm liên quan đến những nghiên cứu gần đây về COVID-19. Ông có thể chia sẻ thêm về những đánh giá và những nghiên cứu trong ấn phẩm liên quan đến vấn đề dịch bệnh?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Ấn phẩm được xuất bản vào tháng 3 năm 2020. Do vậy, chúng tôi đã cố gắng cập nhật những thông tin mới nhất về tác động của COVID-19 tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tất nhiên bây giờ có thể nói là hơi sớm để đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam năm 2020, thậm chí cả một vài năm tiếp theo. Nhưng với những số liệu cập nhật nhất chúng tôi có được thì chúng tôi cũng đã xây dựng một số kịch bản tác động của COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam và những giải pháp ứng phó một cách rất chủ động của Chính phủ Việt Nam để khắc phục và giảm thiểu một cách tối đa tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam.

Với những diễn biến của COVID-19, có nhiều đánh giá cho rằng đây là giai đoạn chúng ta phải có một áp lực nhất định để chuyển đổi số. Vậy nhận định và đánh giá của ông về việc hậu COVID-19, doanh nghiệp sẽ phát triển như thế nào với áp lực chuyển đổi số?

GS.TS Trần Thọ Đạt:  Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng COVID-19 đã vô tình tạo ra một cơ hội thay đổi phương thức phát triển và cấu trúc phát triển của kinh tế Việt Nam theo hướng chúng ta sẽ áp dụng ngày càng nhiều hơn kinh tế số. Giãn cách xã hội là một trong những phương tiện cơ bản để chúng ta giảm thiểu tác động của COVID-19. Chúng ta thay đổi phương thức làm việc không phải là face-to-face, không phải là làm việc cùng với nhau mà là làm việc với nhau nhưng thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua các công cụ công nghệ thông tin. Đấy cũng chính là hướng phát triển của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019” của Đại học Kinh tế Quốc dân do GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS. Tô Trung Thành đồng chủ biên. Ấn phẩm truyền tải thông điệp: Trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài, trong đó có tác động từ dịch cúm COVID-19, là lúc chúng ta cần phải xem lại nền tảng của nền kinh tế. Một trong những nền tảng của nền kinh tế có thể nhìn thấy được chính là năng suất lao động – vấn đề mà Việt Nam đang ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế số sẽ là một cơ hội để cải thiện một cách mạnh mẽ năng suất lao động, từ đó, gia tăng sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ấn phẩm chủ yếu sử dụng các dữ liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức quốc tế, như: IMF, World Bank.