Theo thông tin được đăng tải trên Báo điện tử Chính phủ, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Nghị định 91 có hiệu lực sẽ xử lý mạnh tay đối với tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác, mức phạt lên tới cả trăm triệu đồng.
Nghị định quy định 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác:
1. Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác;
2. Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác;
3. Theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác;
4. Tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác;
5. Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại;
6. Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác;
7. Tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác;
8. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Không được quảng cáo khi người nhận chưa cho phép
Từ ngày 1/10/2020, Nghị định 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực. Nghị định định nghĩa rõ ràng thế nào là tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó, mọi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có nội dung quảng cáo được gửi tới người dùng mà chưa nhận được sự đồng ý đều sẽ được liệt kê vào dạng rác.
Đối với việc gửi tin nhắn quảng cáo cũng được Nghị định quy định rất rõ ràng. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu chỉ được gửi duy nhất một tin nhắn quảng cáo đến các thuê bao di động. Nếu thuê bao từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời tin nhắn trên, nhà quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn có nội dung tương tự đến thuê bao đó nữa.
Trong trường hợp người dùng chấp nhận nhận những thông tin quảng cáo, doanh nghiệp cũng không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại, 3 thư điện tử tới một địa chỉ thư điện tử và 1 cuộc gọi tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người dùng.
Thời gian thực hiện các nội dung quảng cáo cũng được quy định rõ khi chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 7h - 22h mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8h - 17h mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.
Nghị định cũng nêu rõ hình thức từ chối nhận tin nhắn quảng cáo bao gồm từ chối bằng tin nhắn hoặc từ chối qua gọi điện thoại. Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến Người sử dụng.
Cố tình mời chào sẽ bị phạt nặng
Nghị định 91 có hiệu lực sẽ xử lý mạnh tay đối với tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác. Thứ nhất, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Thứ hai, thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 17h mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo; không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Thứ ba, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Thứ tư, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức phạt nêu trên áp dụng với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 1/2 mức phạt của tổ chức.
Đối với doanh nghiệp viễn thông,
dịch vụ internet, mức phạt có thể lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử quảng cáo đến người dùng. Việc doanh nghiệp không ngăn chặn, thu hồi số điện thoại, địa chỉ thư điện tử thực hiện hành vi quấy rối người dùng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt.
Trao đổi với PV, lãnh đạo một công ty môi giới
bất động sản ở Hà Nội thừa nhận, Nghị định 91 có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, vì từ trước tời giờ hình thình gọi điện, nhắn tin mời chào mua bất động sản vẫn được áp dụng. "Ngoài kênh tư vấn, giới thiệu trực tiếp, các sàn giao dịch bất động sản vẫn liên hệ với khách hàng qua điện thoại để mời chào, vì vậy Nghị định 91 sẽ tác động đến bộ phận này, thời gian tới chúng tôi sẽ chuyển kênh bán hàng khác", vị này nói.
Nguyễn Triệu (t/h)